Góp ý về Dự thảo BLDS sửa đổi: Nhiều quy định mang tính đột phá quan trọng

Quỳnh Hoa| 20/04/2015 16:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 20/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị khu vực phía Bắc góp ý dự thảo Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện các Bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị.

Dự thảo Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho biết việc lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật được thực hiện trên toàn bộ nội dung dự thảo, trong đó tập trung vào 10 vấn đề trọng tâm được xác định trong Kế hoạch của Chính phủ về lấy ý kiến nhân dân. Ngoài ra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ còn tập trung lấy ý kiến về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành và những vấn đề Bộ, ngành quan tâm. Các địa phương tập trung lấy ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương và những vấn đề địa phương liên quan.

Việc lấy ý kiến được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Tính đến ngày 15/4/2015, qua báo báo của các Bộ, ngành, địa phương đã có hàng trăm nghìn lượt ý kiến về dự thảo Bộ luật. Hệ thống thông tin đại chúng đã hoạt động hiệu quả, tích cực trong việc phổ biến, truyền tải thông tin về những bất cập từ thực tiễn, khả năng đáp ứng của dự thảo Bộ luật, nguyện vọng của nhân dân… Tất cả các ý kiến đóng góp đã được tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực. Nội dung ý kiến được Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan, tổ chức, chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng để dự kiến tiếp thu, chỉnh lý hoặc để giải trình, làm rõ hơn những vấn đề được đưa vào hoặc không đưa vào dự thảo Bộ luật, bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ.

Góp ý về Dự thảo BLDS sửa đổi: Nhiều quy định mang tính đột phá quan trọng

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TH).

Qua các ý kiến đóng góp, đa số ý kiến góp ý đều cho rằng, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Bộ luật là phù hợp; nội dung dự thảo Bộ luật có nhiều quy định mang tính đột phá quan trọng, góp phần triển khai thực hiện các quan điểm đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế của quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. 

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng dự thảo Bộ luật vẫn còn lỗi về mặt kỹ thuật hoặc có nội dung chưa rõ ràng, chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý cụ thể về các nội dung của dự thảo báo cáo tổng hợp của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); 10 vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân. Cụ thể là các nội dung về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; hình thức sở hữu; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản...

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sau khi được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân có 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. Phần thứ nhất “Quy định chung”; Phần thứ hai “Quyền sở hữu và các vật quyền khác”; Phần thứ ba “Nghĩa vụ và hợp đồng”; Phần thứ tư “Thừa kế”; Phần thứ năm “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”; Phần thứ sau “Điều khoản thi hành”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý về Dự thảo BLDS sửa đổi: Nhiều quy định mang tính đột phá quan trọng