Như chúng tôi đã thông tin về việc các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII góp ý dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Chúng tôi tiếp tục đăng tải nhiều ý kiến xác đáng khác của các đại biểu về vấn đề này.
Ông Nguyễn Trung Thu
Ông Nguyễn Trung Thu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Long An, Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Cần phải có những quy định nghiêm ngặt hơn để buộc các cơ quan, tổ chức phải tuân thủ các quy định về nghĩa vụ và nhiệm vụ tham gia tố tụng hành chính.
Điều 29 quy định việc tham gia tố tụng hành chính của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trong thực tế tôi thấy có rất nhiều vụ án hành chính bên bị kiện là cơ quan, tổ chức hành chính nhưng trong quá trình xét xử thường có đơn xin xét xử vắng mặt, thậm chí vắng mặt cả trong những phiên đối thoại hay trong buổi lấy lời khai của Tòa án. Việc vắng mặt của bên bị kiện đã làm cho quá trình xét xử gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn thẩm vấn, HĐXX cũng như bên đi kiện không có cơ hội để làm sáng tỏ những tình tiết quan trọng.
Pháp luật hiện hành, đặc biệt trong Hiến pháp đã quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, nếu thiếu một bên trong phiên tòa thì việc tuân thủ nguyên tắc này đã bị khiếm khuyết, không thể nào thực hiện việc tranh tụng khi không có đối tượng để tranh tụng. Vì vậy, riêng đối với chủ thể là cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, theo tôi phải có những quy định hợp lý và nghiêm ngặt hơn để buộc các cơ quan, tổ chức này phải tuân thủ pháp luật, phải tuân thủ các quy định về nghĩa vụ và nhiệm vụ tham gia tố tụng hành chính.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo thêm một khoản nữa trong Điều 29, chủ thể bị điều chỉnh trong khoản này là những cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính nhà nước với nội dung chính là thiếu bên bị kiện vắng mặt phải chịu bất lợi và mất quyền phản đối với những chứng cứ, tình tiết, sự kiện bên kia đưa ra hoặc đã có trong hồ sơ. Trường hợp có ủy quyền mà người được ủy quyền không thể tham gia phiên họp, phiên tòa, cơ quan, tổ chức đó phải thay thế ngay người nhận ủy quyền trong một thời hạn hợp lý nhất định, đảm bảo hoạt động xét xử tại Tòa án kịp thời, đúng pháp luật.
Điều 78 quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh trong tố tụng hành chính. Thực tế, người khởi kiện và người liên quan không phải lúc nào cũng biết và cung cấp quyết định hành chính để nộp theo đơn khởi kiện của Tòa án vì nhiều lý do. Do đó, để giúp cho người khởi kiện thuận lợi hơn trong việc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án thì không nên bắt buộc khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án phải kèm theo quyết định hành chính, mà chỉ cần trình bày quan hệ hành chính muốn khởi kiện, đối tượng bị tác động của quyết định hành chính trong đơn khởi kiện là đủ. Sau đó cơ quan bị kiện có trách nhiệm cung cấp thông tin về vụ việc bị khởi kiện và các tài liệu kèm theo. Trên cơ sở tài liệu đó người khởi kiện sẽ thể hiện quan điểm chính thức về vụ án xin hủy quyết định hành chính nào thể hiện bằng một đơn khởi kiện bổ sung.
Bà Lê Minh Hiền
Bà Lê Minh Hiền, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Nên giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện.
Theo tôi, về thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong lĩnh vực đất đai giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết là hợp lý, bởi lẽ:
Thứ nhất, cần mở rộng đối tượng khởi kiện hành chính của cơ quan, tổ chức. Theo Luật Đất đai năm 2013, đăng ký đất đai là thủ tục bắt buộc. Vướng mắc thực tiễn hiện nay trong quá trình thi hành LTTHC là các quyết định hành chính, hoặc hành vi của Văn phòng đăng ký đất đai trong việc thực hiện đăng ký đất đai. Theo quy định của Luật Đất đai cấp giấy chứng nhận lần đầu đăng ký biến động đất đai có thuộc thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính hay không? Thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp nào? Cấp tỉnh, thành phố hay cấp huyện. Đây là vấn đề bất cập, khó khăn trong quá trình thi hành LTTHC năm 2010 và có liên quan đến dự án LTTHC (sửa đổi).
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 LTTHC thì cơ quan, tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi quy định thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh tại Điều 29 và Điều 30, LTTHC chỉ quy định khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, Tòa án đã không thụ lý khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của tổ chức sự nghiệp công như Văn phòng đăng ký đất đai. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị LTTHC (sửa đổi) lần này cần quy định mở rộng đối tượng khởi kiện, trong đó bao gồm cả quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công.
Thứ hai, giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện khắc phục những tồn tại, những bất cập về thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính; đặc biệt án hành chính trong lĩnh vực đất đai. Thực tiễn thi hành LTTHC, người dân còn chịu nhiều khó khăn trong hành chính, khiếu kiện đối với các vụ án hành chính, đặc biệt là đất đai. Kiểm sát viên, Thẩm phán khi xét xử sơ thẩm chịu nhiều áp lực ở địa phương không nêu được quan điểm áp dụng pháp luật đúng đắn khi giải quyết, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân vì các quyết định quy hoạch, thu hồi đất, triển khai dự án thường được thông qua tập thể của cấp ủy UBND địa phương.
Đối với quyết định của UBND cấp huyện, TAND cấp huyện giải quyết, TAND cấp tỉnh xử phúc thẩm vì thế người dân thắng kiện rất hy hữu, thường chỉ xảy ra ở giai đoạn xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm. Theo báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành LTTHC năm 2010 về thẩm quyền xét xử của từng cấp Tòa án chưa hợp lý. TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện và đa số là khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Đây là loại việc khó, phức tạp, nên chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của TAND cấp huyện còn hạn chế, số lượng vụ án bị hủy vẫn còn cao.
Để khắc phục tình trạng này, Điều 33 dự thảo LTTHC (sửa đổi) đã bổ sung bằng cách giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện; TAND cấp cao sẽ xét xử phúc thẩm các vụ án này nếu có kháng nghị, kháng cáo. LTTHC 2010 không còn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp mới và Luật Đất đai 2013 có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo Luật Đất đai 2013 có hiệu lực ngày 1/7/2014 quy định, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gọi chung là các quyết định hành chính, hành vi hành chính, phần lớn thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện, thị xã; của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố.
Từ quy định mới của Luật Đất đai năm 2013 có thể xác định hành vi hành chính, quyết định hành chính có liên quan đến việc đăng ký quyền sử dụng đất do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc chi nhánh của các Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện phải thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh. Không phân biệt đối tượng người sử dụng đất là cá nhân hay tổ chức. Vì vậy, tôi đề nghị LTTHC (sửa đổi) quy định theo hướng giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết hoàn toàn là phù hợp và đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án đã được quy định rõ trong Hiến pháp, phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013.