Góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Cần “mạnh tay” với tội phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Luật sư Trương Minh Tùy (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh)| 02/10/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và các tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) là cần thiết.

Bởi, đây chính là biện pháp mạnh, mang tính răn đe, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của đối tượng.

Trong tội gian lận BHYT nên bổ sung quy định: “Người phạm tội lần đầu, đã khắc phục toàn bộ thiệt hại xảy ra trước khi xét xử thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Việc bổ sung quy định trên là nhằm thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội lần đầu. Hơn nữa, còn do nhận thức của một số người đối với việc chấp hành quy định trong khám chữa bệnh BHYT còn hạn chế; một số trường hợp có chi phí một lần khám chữa bệnh lớn hơn so với mức chiếm đoạt (khởi điểm mức cấu thành tội phạm theo dự thảo là 20.000.000 đồng) nên rất dễ dẫn đến hành vi phạm tội này.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nên bổ sung quy định chủ thể của Tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 218) và Tội gian lận BHYT (Điều 219) là pháp nhân. Bởi, pháp nhân (đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám chữa bệnh BHYT) cũng đều có thể thực hiện các hành vi phạm tội được quy định trong các Điều này.

Góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Cần “mạnh tay” với tội phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Một phiên tòa xét xử vụ kiện đòi tiền nợ BHXH

Liên quan hình phạt đối với hành vi phạm tội “trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”, chúng tôi cho rằng: Hình phạt đối với hành vi phạm tội này phải nặng hơn so với các tội phạm kinh tế khác (nếu thiệt hại hoặc hậu quả do hành vi phạm tội gây ra có giá trị về tiền tương đương). Bởi lẽ, ngoài việc gây thiệt hại chung cho xã hội, thì hành vi phạm tội này còn gây thiệt hại trực tiếp cho người lao động. Đồng thời, dự thảo luật cũng cần cân nhắc hình phạt đối với pháp nhân quy định tại điểm d, khoản 6, Điều 220, đó là: “Tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”…

Ngoài ra, Dự thảo Bộ luật cần quy định giảm mức tiền vi phạm do trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ bị truy tố, xử lý hình sự; đồng thời tăng mức xử phạt lên so với dự thảo. Bởi, hiện nay tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT ngày càng phức tạp và diễn ra khá phổ biến ở hầu khắp các địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động và đi ngược lại mục đích an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Nếu giảm mức tiền vi phạm thì mới có tác dụng chấn chỉnh, răn đe, nhất là mới tránh tình trạng “lách luật” của các chủ sử dụng lao động.

Đồng thời, Dự thảo Bộ luật cũng cần quy định rõ hành vi chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng như việc xác định “khắc phục một phần thiệt hại” là bao nhiêu và những đối tượng nào “có thể được miễn trách nhiệm hình sự” (khoản 5,  Điều 220). Đặc biệt, để tăng tính răn đe, có thể quy định: “Nếu người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ số người hoặc số tiền phải đóng theo quy định từ 3 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này…” (theo dự thảo là 6 tháng)…

Về từ ngữ, Dự thảo nên bổ sung cụm từ “thương mại” vào cuối tên tội danh tại Điều 217 thành: “Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm thương mại”. Việc thêm cụm từ “thương mại” giúp tránh sự nhầm lẫn giữa hoạt động kinh doanh bảo hiểm thương mại của các doanh nghiệp với hoạt động BHXH, BHYT, bảo hiểm  thất nghiệp do Nhà nước tổ chức thực hiện. Đồng thời, bỏ cụm từ “bảo hiểm” sau cụm từ “trốn đóng” trong các điểm ở các khoản 1 đến khoản 5 của Điều 220, bởi tên tội danh tại Điều 220 đã ghi rõ là “trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”, nhất là nếu giữ nguyên như trong dự thảo sẽ không xác định rõ trốn đóng loại bảo hiểm nào…

Việc bổ sung các tội danh về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền về an sinh xã hội, quyền sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Cần “mạnh tay” với tội phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế