Trong xã hội phát triển, chăm lo cho người nghèo không chỉ đơn thuần là chuyện cơm ăn, áo mặc, nhà ở…, mà còn phải quan tâm đến nhu cầu về đời sống văn hóa, đời sống tinh thần, nhu cầu nắm bắt kiến thức về pháp luật của tầng lớp này.
Xuất phát từ thực tế đó, ngày 30-7-2011, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt lớn, một niềm hy vọng, một chỗ dựa đáng tin cậy về mặt pháp luật cho người nghèo.
Còn hơn 3 triệu hộ nghèo
Mới đây, cuộc tổng điều tra các hộ nghèo trên toàn quốc đã công bố còn hơn 3 triệu hộ nghèo, và 1,6 hộ cận nghèo. Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp - Trưởng ban vận động thành lập Hội, cho rằng: “Trong điều kiện của nước ta hiện nay, hầu hết người nghèo có trình độ dân trí thấp và thiếu hiểu biết về pháp luật. Vì vậy, khi có vướng mắc về pháp luật, họ chưa có điều kiện tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên thường bị thiệt thòi nếu không có sự giúp đỡ từ Nhà nước và xã hội”.
Hiện nay, đã có một hệ thống trợ giúp pháp lý trên toàn quốc, tính đến năm 2010, cả nước đã có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cấp tỉnh, hơn 148 Chi nhánh của Trung tâm ở cấp huyện và hơn 6.000 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cấp xã. Các Trung tâm đã thực hiện hơn 1,5 triệu vụ việc trợ giúp pháp lý cho hơn 1,5 triệu lượt người, trong đó có 59,7% là người nghèo. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã thể hiện sâu sắc các chính sách, pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ cho các người nghèo và các đối tượng yếu thế khác của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động trợ giúp pháp lý mới chủ yếu do Nhà nước thực hiện, sự tham gia của các lực lượng xã hội vào công tác này còn ở mức độ rất thấp.
Tính đến năm 2010, mới có 184 tổ chức hành nghề luật sư và 34 Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc các đoàn thể - xã hội đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, nhưng số vụ việc cụ thể đã thực hiện được chưa cao. Do yêu cầu được bảo trợ về mặt tư pháp ngày càng nhiều và phức tạp hơn nên những hoạt động trên mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của các đối tượng này.
Góp phần hạn chế oan sai
Chính vì khả năng tiếp cận với kiến thức pháp luật còn hạn chế, nên khi xảy ra những vấn đề liên quan đến luật pháp, người nghèo gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều vụ việc đáng tiếc chỉ vì người dân thiếu hiểu biết về pháp luật. Hơn nữa, do người dân chưa hiểu pháp luật nên còn nhiều khiếu kiện so với tỷ lệ dân số. Án có luật sư tham gia được trả thù lao hoặc bồi dưỡng từ trợ giúp pháp lý rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng trên 10%, các vụ án có tư vấn tiền tố tụng hầu như rất ít, chiếm tỉ lệ dưới 1%. Vì vậy, hoạt động tố tụng nói chung và đặc biệt là xét xử vẫn đang còn là “sân riêng” của các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bản án và quyết định của Toà án có kháng cáo, kháng nghị hoặc phải tái thẩm, giám đốc thẩm còn ở mức cao, có rất nhiều đơn xin xem xét án theo thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm liên quan đến các đối tượng là người nghèo. Chính vì vậy, theo ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: “Việc thành lập Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, rất thiết thực…”.
Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam ra đời với tôn chỉ, mục đích là tập hợp, đoàn kết và động viên hội viên trong quá trình hoạt động nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, nhằm tạo điều kiện cho hội viên học tập, tích lũy tri thức, kinh nghiệm phong phú, đa dạng về lý luận và thực tiễn để chia sẻ giữa các hội viên, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình phát triển nghề nghiệp. Qua đó góp phần tăng cường năng lực cho hội viên tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, cho người nghèo và các nhóm yếu thế khác trong xã hội. Hội với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người làm công tác trợ giúp pháp lý trong phạm vi cả nước có vai trò hỗ trợ chính trong nâng cao năng lực cho các tổ chức thành viên, hội viên trong cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, giảm phí, thực hiện án chỉ định và góp phần vào việc tham gia xây dựng, phản biện các định chế pháp lý, tham gia quản lý nhà nước trong phạm vi khả năng để tăng tính tự quản, trách nhiệm, bảo đảm hỗ trợ, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí và pháp lý cộng đồng có chất lượng cho người nghèo ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới.
Nguyễn Trung Thành