Thời gian vừa qua, rất nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ triển khai, nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh.
Khẩn cấp triển khai gói hỗ trợ mới “cứu” doanh nghiệp
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa yêu cầu Bộ LĐ-TBXH sớm hoàn thiện dự thảo gói hỗ trợ trên. Bởi đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đến hồi kiệt quệ, thậm chí phải phá sản. Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, 5 tháng đầu năm nay, số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục gia tăng với gần 60.000 (tăng 23% so với cùng kỳ). Trong đó, có 31.818 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm gần một nửa. Ngoài ra, còn có gần 20.000 DN chờ làm thủ tục phá sản, giải thể.
Do đó, nếu gói cứu trợ triển khai nhanh một ngày cũng có thể giúp hàng ngàn doanh nghiệp đứng vững và vượt qua giai đoạn khốn khó này.
Trong đợt tái bùng dịch lần thứ 4, tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP khóa X đã thông qua đề xuất của UBND TP. HCM về gói hỗ trợ COVID-19 với 886 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Với gói hỗ trợ rất sớm này, những hộ kinh doanh bị ngừng hoạt động theo yêu cầu của TP để chống dịch cũng được hỗ trợ. Với các tiểu thương, gói này cũng hỗ trợ giảm 50% giá thuê sạp ở chợ và hỗ trợ tiền mặt theo định mức trong 6 tháng.
Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời đối với người dân TP.HCM khi dịch lần thứ 4 này đã và đang làm TP này "trọng thương" về đời sống kinh tế.
Bởi vậy, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, dự thảo gói hỗ trợ của Bộ LĐ-TBXH cần đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích, thủ tục đơn giản, tránh phiền hà cho DN khi tiếp cận gói. Điều này gắn với trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương và người được thụ hưởng cũng phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.
Với DN, cần phải chia nhóm DN, tùy loại hình hoạt động của từng nhóm, mức độ thiệt hại, quy mô, khả năng phục hồi... Đối với DN gặp khó, tạm ngừng kinh doanh như du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, vận tải, hàng không... phải có những chính sách đặc thù hơn. Đơn cử như cho vay lãi suất bằng 0% thông qua việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn hay cấp bù lãi suất để DN này trang trải các chi phí để trả lương, giữ chân người lao động, sớm bắt nhịp khi hết dịch.
Đặc biệt, cần có những chính sách với ưu đãi tối đa trong việc thuê đất, thuê mặt bằng... để DN cầm cự, duy trì hoạt động, nhất là trong những nhóm ngành đặc thù như hàng không.
Liều vaccine giúp doanh nghiệp “hồi sức”
Nhưng vấn đề không chỉ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Đối với doanh nghiệp, để tồn tại và phát triển, hai vấn đề mà ông chủ nào cũng phải quan tâm đó là thuế và vốn.
Trong đó, có thể một số doanh nghiệp trong giai đoạn này không hoạt động nên không phát sinh doanh thu, nhưng họ vẫn phải nộp các khoản thuế cho những giai đoạn hoạt động trước. Và chỉ cần chậm nộp, doanh nghiệp không chỉ bị phạt mà rất có thể sẽ bị bêu tên bất kỳ lúc nào.
Để vực dậy các doanh nghiệp sau những thiệt hại nặng nề của 4 đợt dịch COVID-19, theo các chuyên gia, cần tiếp tục chính sách giảm chứ không chỉ giãn thuế, phí, lệ phí.
Trước tình hình này, mới đây, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 47/2021 quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, 29 khoản phí và lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 và bổ sung giảm thêm mức thu một khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều lĩnh vực có mức giảm cao, như giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp, giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp, giảm từ 50-70% mức thu phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính, giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...
Việc giảm 30 loại thuế, phí với số tiền 1.000 tỷ đồng kéo dài đến hết năm 2021 được xem là liều vaccine giúp DN “hồi sức” trong thời điểm khó khăn này.
Tương tự, câu chuyện vốn, với tình hình hiện nay chắc chắn sẽ có rất nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc và lãi sẽ khó lòng trả đúng hạn.
Theo quy định, nếu chậm trả gốc và lãi, ngoài việc phải chịu trả lãi suất trả chậm và phí phạt trả chậm đối với khoản vay, doanh nghiệp còn bị xem xét đánh giá xếp hạng tín nhiệm.
Điều này có nghĩa doanh nghiệp sẽ bị đưa vào các nhóm nợ xấu và bị ghi nhận trên Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Đối với một doanh nghiệp, việc bị bêu tên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, thậm chí là phá sản.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế nên sớm có chỉ đạo để rà soát, phân loại những khó khăn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh... trên cơ sở đó có hướng dẫn các địa phương, ngân hàng, các tổ chức tín dụng… hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi, được đề xuất khoanh lại đến tháng 12/2021 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu.
Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, ban, ngành đang dốc sức hỗ trợ DN thì cộng đồng DN cũng cần góp sức để người dân hỗ trợ lẫn nhau. DN cần tăng cường liên kết, hỗ trợ, san sẻ với nhau trong nguồn hàng, đặt cọc, phí vận chuyển để cùng nhau vượt qua khó khăn đại dịch, đón nhận các đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường Mỹ, châu Âu đã và đang hồi phục kinh tế. Đây là việc mà cộng đồng DN của chúng ta sẽ làm rất tốt!.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)