Tại cuộc đối thoại trực tuyến về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội mới đây, lãnh đạo NHNN, Bộ Xây dựng khẳng định việc giải ngân sẽ đúng đối tượng và sẽ có nhiều loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp.
Công khai, minh bạch, đúng đối tượng
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trước hết, giải pháp khắc phục khó khăn thị trường bất động sản chủ yếu là hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn là chính, chứ không dùng nguồn tiền, vì chúng ta cũng không đủ nguồn lực. Ông Nam đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại được chỉ định đã triển khai về chính sách này, bước đầu đã có những động thái tích cực trong tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp và của người dân.
Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN khẳng định, tác động của chương trình đối với thị trường BĐS là tích cực. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ là một trong những giải pháp tổng thể và nhắm tới những đối tượng theo chiến lược nhà ở. Hiện trong thị trường BĐS phân khúc dành cho người có nhu cầu ở thực sự còn đang thiếu nhưng lại dư phân khúc cao cấp, vì vậy, gói này sẽ tác động tích cực đến những người có thu nhập thấp có được chỗ ở phù hợp. Dự kiến chương trình sẽ giải ngân trong 3 năm nên trong giai đoạn đầu người dân nên tìm hiểu kỹ, chuẩn bị hồ sơ, lựa chọn ngân hàng để làm thủ tục xin vay.
Cần có nhiều loại hình sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu người dân
Ông Nguyễn Viết Mạnh khẳng định, đây là một chương trình tín dụng có ưu đãi về lãi suất, vì vậy phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Cụ thể là công khai, minh bạch về thủ tục được quy định tại Thông tư của NHNN và Bộ Xây dựng. Thứ hai là quy định rõ trách nhiệm của khách hàng, ngân hàng khi triển khai gói tín dụng này, cơ chế và chế tài xử lý khi vi phạm quy định này. Thứ ba là quy định về công tác thanh tra, kiểm soát của ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với việc làm sao để kiểm soát được tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho người dân một cách hiệu quả, ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các ngân hàng thương mại đã có giải pháp kiểm soát tổng thể đảm bảo cho vay đối với các doanh nghiệp tối đa sẽ bằng 30% tổng nguồn vốn cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng. Không có chuyện trong gói này sẽ dành ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp. Hiện đã có phương án để kiểm soát. Tuy nhiên, theo ông trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, nhưng tổng toàn bộ gói 30.000 tỷ đồng này chỉ có 9.000 tỷ đồng được dành cho vay doanh nghiệp.
Đáp ứng nhu cầu của người nghèo
Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp cũng như nhiều loại hình sản phẩm để các đối tượng người thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị ở các mức khác nhau đều có thể giải quyết được vấn đề nhà ở của mình.
Theo ông Nam, với những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, thì chúng ta phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn.
Bộ Xây dựng cũng đã tính toán để người có thu nhập thấp (5-6 triệu/hộ/tháng), nếu tích cóp dành dụm, vẫn có thể sở hữu ngôi nhà. Đối với đối tượng này, chúng ta đang có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê, tính toán để làm sao các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Ông Nam cho biết, hiện Bộ Xây dựng đang dự thảo quyết định thí điểm để trình Thủ tướng, ngay lập tức có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê thí điểm dưới hình thức thuê từng tháng, trả tiền từng tháng.
“Tóm lại, mặc dù nguồn lực của Chính phủ còn hạn chế, nhưng chúng ta vẫn cố gắng đảm bảo an sinh xã hội, tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu của những người từ nghèo nhất cho tới những người có khả năng thanh toán với các hình thức thích hợp, quy mô sản phẩm khác nhau, hình thức thuê hoặc mua”- ông Nam khẳng định.
Bảo Nam