Góc nhìn 24/06: Chưa có tín hiệu rõ ràng!

23/06/2014 20:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thị trường vẫn chưa có tín hiệu xác nhận sự chuyển biến về mặt xu hướng. Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên tạm thời đứng ngoài thị trường và chờ đợi các điểm mua vào khi chỉ số sụt giảm xuống mức điểm thấp hơn.

Tăng yếu

CTCK MayBank KimEng (MBKE): “Hậu cơ cấu” của các ETFs, Chứng khoán Việt Nam khởi động tuần giao dịch mới với một phiên tăng giảm trái chiều trên hai sàn. VN-Index ghi nhận mức tăng 0.92%, mức thanh khoản ghi nhận hơn 60 triệu đơn vị khớp lệnh thành công với giá trị đạt khoảng 1,000 tỷ đồng, giảm mạnh 58% so với phiên cuối tuần trước.Hoạt động giao dịch của khối NĐTNN đã giảm mạnh trở lại gần 90% ở cả hai chiều mua và bán sau khi các quỹ ETF hoàn tất việc cơ cấu danh mục của mình.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, MBKE cho rằng xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn là xu hướng tăng. Dù vậy điểm trừ lớn nhất hiện nay của thị trường là yếu tố thanh khoản, với mức thanh khoản yếu ớt như hiện nay khó kỳ vọng sự gia tăng của VN-Index nói riêng và thị trường nói chung sẽ mạnh mẽ như giai đoạn đầu năm 2014.

Với các nhìn nhận như trên, MBKE khuyến nghị nhà đầu tư duy trì mức tỷ trọng cân bằng trong danh mục (50% cổ phiếu) do xu hướng vẫn nghiêng về tăng nhưng động lực tăng hiện chưa mạnh.

Giảm margin ở mã đầu cơ

CTCK FTP (FPTS): Ngưỡng kỹ thuật 580 điểm là ngưỡng cản tương đối mạnh, FPTS cho rằng thị trường sẽ cần thêm thời gian và xung lượng tích lũy mới có thể bật qua khỏi vùng này. Kịch bản điều chỉnh và rung lắc nhẹ quanh ngưỡng 560 – 570 khả năng sẽ là xu hướng chính trong phiên tới khi các chỉ báo kỹ thuật đã bắt đầu cho tín hiệu nhiễu động, giằng co mạnh.

Chính vì vậy, giải pháp hợp lý ở thời điểm này là hạ dần tỷ trọng margin ở các mã đầu cơ, chuyển dần cơ cấu sang các mã cơ bản có triển vọng trong quý 2/2014 khi mùa báo cáo đang đến gần. Mức tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục được đề xuất là ở mức 40 – 50%.

Thị trường vận động riêng lẻ

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Bệ đỡ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp cho chỉ số VN-Index có một phiên tăng nhẹ. Cho dù khối ngoại vẫn tích cực mua ròng và tạo bệ đỡ cho thị trường nhưng dòng tiền nội phiên 23/06 khá yếu. Có vẻ như sau “game” ETF động lực cho thị trường đang bị chững lại khi thông tin hỗ trợ không có. Mặc dù vậy, lực cung bán ra cũng không mạnh và có thể thị trường lại quay về trạng thái “ngủ đông” tạm thời. Có lẽ thị trường sẽ lại vận động một cách riêng lẻ, cổ phiếu tăng giảm phụ thuộc vào thông tin của từng cổ phiếu đó.

Giai đoạn này, IVS cho rằng nhóm penny sẽ lại là nhóm chịu áp lực giảm nhiều hơn, trong khi những cổ phiếu cơ bản tiếp tục giao dịch trong biên độ giao động hẹp. Trong phiên 24/6, thị trường tăng hay giảm sẽ lại phụ thuộc vào cổ phiếu lớn, nhưng nếu nhìn về chỉ số chỉ số HNX-Index, nơi phản ánh chính xác hơn về thị trường IVS nghiêng về khả năng có một phiên giảm nhẹ tiếp theo.

Đi ngang và sụt giảm nhẹ

CTCK Đông Á (DAS): Dù tăng điểm trong phiên 23/06, nhưng VN-Index tiếp tục không thể vượt qua đường MA100. Trong khi đó, HNX-Index đã phá xuống ngưỡng 76 điểm, mức được duy trì trong 6 phiên gần đây. Bên cạnh đó, MACD của HNX-Index đã quay trở lại ngưỡng 0 sau hai phiên vượt lên trên ngưỡng này. Đồng thời, MACD của VN-Index cũng chớm chạm đến đường tín hiệu cho tín hiệu giảm. Quan trọng nhất là khối lượng giao dịch đang có dấu hiệu suy yếu, khi đang cách quá xa so với mức bình quân 20 phiên giao dịch gần đây.

Dù vậy, khả năng lớn các chỉ số này vẫn sẽ tiếp tục chuyển động theo xu hướng đi ngang với sự sụt giảm nhẹ, do vùng 550 điểm của VN-Index và 75 điểm của HNX-Index, vùng đã hình thành những đỉnh và đáy khá chắc chắn trong quá khứ, trước mắt vẫn sẽ có khả năng hỗ trợ cho các chỉ số.

Đứng ngoài 

CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS): Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index đột ngột trở lại tăng hơn 5 điểm lên 565.92 điểm trong phiên giao dịch 23/06 nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu trụ cột, nhưng VN-Index không tạo được cây nến cao hơn trên đồ thị. Thêm vào đó, KLGD trên HOSE sụt giảm mạnh 57% cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trong phiên. Chỉ báo MACD tiếp tục đi xuống và tiến sát đường trung bình của nó, nếu MACD cắt xuống đường này, xu hướng giảm sẽ được ủng hộ. Stochasitc Oscillator và RSI phục hồi nhẹ nhưng cả hai chỉ báo này vẫn chưa đưa tín hiệu tích cực. Khu vực 568-570 điểm, tương đương đường MA100 sẽ là khu vực kháng cự mạnh đối với VN-Index trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường và chờ tín hiệu rõ ràng.

Phục hồi nhẹ

CTCK Kim Long (KLS): Sự phục hồi kỹ thuật trong phiên 23/06 chưa thể đưa VN-Index thoát khỏi xu thế giảm ngắn hạn. Các chỉ báo đều cho thấy tín hiệu tiêu cực, MACD cho rằng đây là thời điểm bán ra trong khi cường độ giảm có thể mạnh dần khi nhìn vào ADX. Đồ thị Ichimoku tạo mặt phẳng tại mức 560 điểm, mức này được kỳ vọng là mức hỗ trợ ngắn hạn đối với chỉ số. Theo dự báo của KLS sự phục hồi nhẹ có thể tiếp tục diễn ra trong phiên giao dịch 24/06.

Trên đồ thị của HNX-Index, mẫu hình hai đỉnh đang tạo áp lực giảm trong những phiên gần đây. Sự kết hợp của đường EMA trung hạn và ngắn hạn vẫn tạo xu thế giảm, bong bóng ADX mở rộng trong khi Sotochastic hướng xướng. Mức hỗ trợ gần nhất đối với chỉ số tại 75 điểm, KLS dự đoán HNX-Index sẽ kiểm nghiệm mức hỗ trợ này trong phiên ngày mai.

Gia Nguyên tổng hợp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc nhìn 24/06: Chưa có tín hiệu rõ ràng!