Ngày 28/10, Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) phối hợp Báo Giáo dục và Thời đại, tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền với chủ đề: "Phòng chống ma túy học đường - kỹ năng nhận biết, phòng tránh các loại ma túy thế hệ mới xâm nhập học đường" cho các thầy cô giáo và hơn 1.000 học sinh của trường.
Chương trình nhằm giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng nâng cao kiến thức, hiểu biết về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội, từ đó các em học sinh có sự chuyển biến về nhận thức, luôn “nói không với ma túy”, có hành động tự giác đấu tranh phòng chống ma tuý học đường, góp phần cùng với nhà trường thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đào tạo toàn diện, xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp và an toàn.
Thông tin về ma túy thế hệ mới, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàn – Phó Đội trưởng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh, đã giới thiệu về hình dáng, tính chất, tác hại, cách thức nhận biết một số loại ma túy tổng hợp hiện nay tới các em học sinh. Theo đó, hiện có 3 loại chính gồm: Ma túy đá, Ketamine, Thuốc lắc. Những người sử dụng ma túy thường gọi tắt 3 loại ma túy trên là Đá, Ke, Kẹo.
Nhấn mạnh về những hình dáng, sự nguy hại của ma túy tới sức khỏe thể chất, tinh thần của con người nếu sử dụng, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàn cho biết, ma túy đá thường có màu trắng dạng tinh thể giống với đường phèn, hạt mì chính hay hạt muối. Loại này sẽ khiến người dùng bị ảo giác và có những hành vi tự hại mình. Tương tự, Ketamine cũng là một dạng ma túy tổng hợp và có hình dạng tinh thể màu trắng gần giống với đường ăn hàng ngày. Thuốc lắc có hình dạng giống như những viên thuốc tân dược nhiều màu sắc, hình thù. Những loại ma túy này khiến người dùng bị kích thích thần kinh, tạo ảo giác mạnh và rối loạn hành vi do hưng phấn quá đà.
Hiện nay, ma túy còn được điều chế dưới nhiều dạng thức, kiểu dáng khác nhau để lợi dụng tâm lý tò mò, muốn thể hiện bản thân của giới trẻ. Trong đó có thể kể tới như ma túy pha trộn dạng nước vui (nước dâu, nước xoài, nước nho...); ma túy trà sữa; ma túy đông trùng hạ thảo; ma túy cà phê; bánh lười; kẹo mút cần sa; bánh socola cần sa; ma túy cỏ Mỹ; ma túy tem giấy... Tại đây, học sinh còn được hướng dẫn về cách nhận biết những vật dụng phục vụ cho việc sử dụng trái phép các chất ma túy. Theo quy định của pháp luật, tất cả những hành vi tàng trữ, mua bán hay sử dụng các chất ma túy đều là phạm pháp.
Bên cạnh đó, có một số chất kích thích chưa phải là ma túy nhưng có tác dụng gây nghiện như ma túy mà học sinh cần tránh xa như thuốc lá điện tử, bóng cười, shisha... Có đối tượng thực hiện hành vi trộn các chất ma túy vào shisha để sử dụng càng gây nguy hiểm. Do đó, các em phải tuyệt đối tránh xa những chất gây nghiện này.
Dấu hiệu nhận biết học sinh sử dụng trái phép ma túy thế hệ mới có thể kể tới như: Trong người, đồ dùng cá nhân cất giấu các loại ma túy hoặc vỏ bao, hộp lọ, điếu thuốc như đã giới thiệu ở trên; học lực giảm sút, thiếu ngủ, mất tập trung; tính tình thay đổi, hay gắt gỏng, tâm lý bồn chồn, lo lắng; nhu cầu tiêu tiền ngày càng lớn và mượn tiền bạn bè; hay tụ tập bạn bè chơi bời và tham gia vào hội nhóm có sử dụng ma túy.
Về nguyên nhân dẫn tới tệ nạn ma túy, các chuyên gia chỉ ra nguồn cơn xuất phát từ chính sự buông lỏng quản lý, giáo dục từ gia đình cũng như những yếu tố tác động từ bên ngoài xã hội khiến giới trẻ không làm chủ được bản thân. Các bậc phụ huynh cần quan tâm, giám sát con em mình để đảm bảo rằng, các em không tàng trữ, vận chuyển, mua bán hay sử dụng các chất ma túy.
Từ thực trạng, nguyên nhân cũng như những hệ lụy mà tệ nạn ma túy gây ra, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàn cảnh báo: Ma túy sẽ hủy hoại cuộc đời của các em trong gang tấc, do đó tuyệt đối không dùng thử ma túy dù chỉ một lần, không tiếp tay cho tội phạm ma túy. "Thay vì tham gia các trào lưu trên mạng của giới trẻ, học sinh hãy thực hành và duy trì những thói quen tốt ngay trong gia đình, trường lớp. Các em cần đối xử tốt và giúp đỡ cha mẹ mình nhiều hơn; tôn trọng thầy cô, hăng hái trong học tập nhiều hơn nữa và rèn luyện ý thức, đạo đức thật thường xuyên để góp phần kiến tạo xã hội lành mạnh, không có bóng dáng của tệ nạn ma túy".
Cô Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ, buổi tuyên truyền đã giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh nhà trường nâng cao kiến thức, hiểu biết về tác hại của ma túy. Từ đó, các em học sinh có sự chuyển biến về nhận thức, luôn “nói không với ma túy”, có hành động tự giác đấu tranh phòng chống ma tuý học đường, góp phần cùng với nhà trường thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện, xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp và an toàn.