Giới thiệu khái quát BLHS năm 2015

Đỗ Văn Chỉnh| 11/03/2016 09:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 27/11/2015, Quốc hội thông qua BLHS. Bộ luật này có nhiều quy định mới. Để giúp bạn đọc tìm hiểu, chúng tôi xin giới thiệu những nội dung chính của BLHS năm 2015.

Khái quát chung

Về cấu trúc của Bộ luật có: 3 phần, 26 chương với 426 điều luật. Phần quy định chung có 107 điều. Phần Các tội phạm có 317 điều (từ Điều 108 đến Điều 425). Phần Điều khoản thi hành có 01 điều luật là Điều 426.

So sánh với BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì số điều luật quy định trong BLHS năm 2015 nhiều hơn số điều luật quy định trong BLHS năm 1999 là 73 điều. (BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 có 353 điều). Còn BLHS năm 1985 được sửa đổi bổ sung trong năm 1989, 1991, 1992 và 1997, so sánh với số điều luật quy định trong BLHS năm 2015 thì số điều luật quy định trong BLHS năm 2015 nhiều hơn số điều luật quy định trong BLHS năm 1985 là 122 điều luật (BLHS năm 1985 được sửa đổi bổ sung trong các năm 1989, 1991, 1992 và 1997 có 304 điều).

Giới thiệu khái quát BLHS năm 2015

Một phiên tòa xét xử vụ án hình sự

Trong tổng số 426 điều luật của BLHS năm 2015 có 12 điều luật giữ nguyên nội dung quy định của 12 điều luật trong BLHS năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Cụ thể là: Điều 10 quy định về Cố ý phạm tội (Điều 9 BLHS năm 1999). Điều 11 quy định về Vô ý phạm tội (Điều 10 BLHS năm 1999). Điều 15 quy định về Phạm tội chưa đạt (Điều 18 BLHS năm 1999). Điều 16 quy định về Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 19 BLHS năm 1999). Điều 20 quy định về Sự kiện bất ngờ (Điều 11 BLHS năm 1999). Điều 23 quy định về Tình thế cấp thiết (Điều 16 BLHS năm 1999). Điều 34 quy định về Cảnh cáo (Điều 29 BLHS năm 1999). Điều 37 quy định về Trục xuất (Điều 32 BLHS năm 1999). Điều 39 quy định về Tù chung thân (Điều 34 BLHS năm 1999). Điều 48 quy định về Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại hoặc công khai xin lỗi (Điều 42 BLHS năm 1999). Điều 58 quy định về Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm (Điều 53 BLHS năm 1999).

Về sửa đổi, bổ sung

BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung 349 điều trong BLHS năm 1999.

Về quy định mới: BLHS năm 2015 có 65 điều luật có nội dung mới quy định lần đầu tiên trong pháp luật hình sự ở nước ta. Các điều luật mới là các Điều 9, 24, 25, 26, 33, 46, 66, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 88, 89, 92, 93, 94, 95, 97, 102, 104, 106,147,154, 167, 187, 213, 214, 215, 216, 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 225, 230, 234, 238, 285, 291, 292, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 391, 393, 418, 426.

Về hình phạt tử hình là hình phạt đặc biệt được áp dụng đối với người phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng. Căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 của nước ta và thể hiện sự nhân đạo của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong BLHS năm 2015 hình phạt tử hình chỉ quy định tại 18 điều luật. Cụ thể là tại các điều luật sau: Điều 108 (tội Phản bội Tổ quốc), Điều 109 (tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 110 (tội Gián điệp), Điều 112 (tội Bạo loạn), Điều 113 (tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân), Điều 114 (tội Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Điều 123 (tội Giết người), Điều 142 (tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi), Điều 194 (tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh), Điều 248 (tội Sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 250 (tội Vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 251 (tội Mua bán trái phép chất ma túy), Điều 299 (tội Khủng bố), Điều 353 (tội Tham ô tài sản), Điều 354 (tội Nhận hối lộ), Điều 421 (tội Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược), Điều 422 (tội Chống loài người), Điều 423 (tội phạm chiến tranh).

So sánh với BLHS năm 1999 thì hình phạt tử hình quy định trong BLHS năm 2015 đã giảm 4 điều luật (BLHS năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định hình phạt tử hình tại 22 điều luật). Nếu so sánh với BLHS năm 1985 thì hình phạt tử hình quy định trong BLHS năm 2015 đã giảm 23 điều luật (BLHS năm 1985 được sửa đổi, bổ sung các năm 1989, 1991, 1992 và 1997 quy định hình phạt tử hình tại 41 điều luật).

Về hình phạt tiền, chúng tôi lưu ý là hình phạt tiền được quy định tại hai điều luật là Điều 35 và Điều 99. Cụ thể là:

Điều 35 quy định như sau: “1) Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây: a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, do Bộ luật này quy định. B) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định. 2) Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định. 3) Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng. 4) Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này”.

Điều 99 quy định như sau: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định”.

Điều 99 BLHS năm 2015 chúng tôi trích dẫn và trình bày ở trên là quy định đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chứ không phải người khi Tòa án xét xử mà người đó từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Do đó sẽ có trường hợp khi phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nhưng khi Tòa án xét xử thì họ là người đủ 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giới thiệu khái quát BLHS năm 2015