Bộ GD&ĐT đã yêu cầu đổi mới dạy học môn Ngữ văn, trong đó chấm dứt vấn nạn văn mẫu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, không chỉ học sinh mà ngay cả các thầy cô giáo cũng gặp nhiều khó khăn trong việc ra đề thi và xem xét cách đánh giá môn học.
Đầu năm học Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối kỳ không dùng các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Bộ GD&ĐT khuyến khích giáo viên việc xây dựng và sử dụng các đề mở để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.
Cùng yêu cầu đổi mới trong dạy và học môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT cũng đặt ra nhiệm vụ đổi mới cách kiểm tra, đánh giá với môn học này thông qua 4 nội dung; đó là đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh; Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới.
Tại Hà Nội, công tác làm ngân hàng đề kiểm tra học kỳ 1, trong đó có đề kiểm tra môn Ngữ văn hầu như đã được các nhà trường hoàn tất.
Vận dụng theo tinh thần đổi mới của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của cấp trên, nhiều trường học đã thiết lập ngân hàng đề kiểm tra Ngữ văn với nhiều điểm đổi khác, đặc biệt là sự xuất hiện của các câu hỏi trắc nghiệm và ngữ liệu ngoài SGK.
Sau một thời gian áp dụng đối với lớp 10 bậc THPT; lớp 6,7 bậc THCS, phụ huynh, học sinh cho biết, học sinh phải vật lộn, thậm chí sốc với cách dạy học, đánh giá kiểu mới.
Thời điểm này, một số trường THPT đã kiểm tra học kỳ I, học sinh cũng có ý kiến về việc ngữ liệu dùng trong đề kiểm tra, đánh giá khó so với năng lực. Điều này gây hoang mang cho phụ huynh, học sinh.
Cô giáo Hoàng Lan Hương, dạy môn Ngữ văn 7, Trường THCS Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đánh giá, học sinh học chương trình mới từ THCS thay vì được học từ tiểu học lên nên tiếp cận rất khó khăn. SGK mới đưa các dạng nghị luận xã hội, yêu cầu học sinh rút ra tư tưởng từ tác phẩm cũng là một trong những yêu cầu khó, đặc biệt đối với các em có năng lực trung bình.
“Đến phần làm văn với yêu cầu giáo viên ra đề mở, ngữ liệu không có trong SGK gây khó cho cả giáo viên và học sinh. Giáo viên tìm tòi, nghiên cứu làm sao đề ra không quá nặng nề, mang tính giáo dục và hay để đa số học sinh với năng lực khác nhau vẫn có thể làm được”, cô Hương nói.
Theo ghi nhận, cách ra đề kiểm tra môn Ngữ văn theo hướng đổi mới chưa được thực hiện đồng bộ tại các trường học mà vẫn kiểu “mỗi trường một phách”.
Có trường trong đề thi gồm một phần trắc nghiệm, có trường lại ra đề theo hướng 100% tự luận; có trường sử dụng ngữ liệu mới, có trường vẫn dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa hay chỉ sử dụng một phần ngữ liệu mới.