Giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số gửi tâm tư tới lãnh đạo Bộ GD-ĐT

Đức Duy| 16/11/2020 20:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (16/11), Bộ GD-ĐT tổ chức gặp mặt giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.

Trăn trở của giáo viên dạy học sinh người dân tộc thiểu số

Mở đầu buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô giáo.

uy9_9282.jpg
Các giáo viên chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với đại diện Bộ GD-ĐT. Ảnh Đức Duy.

Là một trong những thầy giáo có nhiều năm công tác và gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số. Thầy K’Dĩnh – giáo viên dạy Trường Tiểu học Tân Phúc 1 – xã Tân Phúc – huyện Hàm Tân - Bình Thuận chia sẻ: “Dù tôi chỉ dạy học sinh ở cấp 1 nhưng tôi vẫn luôn theo dõi các em lên các cấp cao hơn. Nhưng tôi thấy một thực trạng đáng buồn là cứ lên cấp 2 các em bỏ học rất nhiều. Khi tôi trao đổi với các em bỏ học, tôi biết học sinh thích thì đi học không thích thì không đi. Và làng tôi cũng vậy. Một phần nữa phụ huynh khoán trắng cho thầy cô bởi vậy tỉ lệ bỏ học rất cao".

Thầy K’Dĩnh cũng kể thêm, dù Nhà nước rất quan tâm cho các chính sách, mở trường nội trú và trường nghề nhưng tỉ lệ bỏ học vẫn cao.

uy9_9280.jpg
63 giáo viên tiêu biểu đại diện cho mọi miền đất nước về tham dự chương trình chia sẻ cùng thầy cô năm 2020. Ảnh Đức Duy.

Ở trường nghề các em vừa được học văn hóa, vừa được học nghề tuy nhiên khi đi học nghề chương trình học nặng, các em lại bỏ học đi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân.

“Tôi mong rằng các cấp lãnh đạo quan tâm hơn. Đồng thời, chú ý đến những em có thành tích để cỗ vũ các em đến trường”, thầy K'Dĩnh cho biết thêm.

Cũng trăn trở như thầy K’Dĩnh, cô Trần Thị Bích Thu – giáo viên Trường Mầm non Hòa Bắc – xã Hòa Bắc - huyện Hoà Vang – Đà Nẵng chia sẻ: “Đà Nẵng rất quan tâm đến học sinh dân tộc thiểu số nên đã đầu tư cơ sở vật chất, chế độ rất đảm bảo cho giáo viên, học sinh. Tuy nhiên trẻ mầm non của người dân tộc Cơ Tu vốn Tiếng Việt rất ít, trẻ chưa tự tin sử dụng Tiếng Việt để giao tiếp, tham gia hoạt động học tập nên các em rất thiếu kỹ năng”.

thu-truong-bo-gd.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh tặng bằng khen cho 63 giáo viên người dân tộc thiểu số tiêu biểu.

Một thực trạng nữa mà cô Thu trăn trở chính là thể trạng của trẻ em dân tộc Cơ Tu rất nhỏ bé, vì chế độ dinh dưỡng bị hạn chế. “Tôi mong muốn cho trẻ dân tộc Cơ Tu và các dân tộc khác được chú trọng hơn về dinh dưỡng để các  em có thể phát triển tốt hơn về thể chất”, cô Thu trải lòng.

Mong muốn có nhiều hoạt động để gìn giữ văn hóa dân tộc

Theo như nhiều giáo viên cho biết người dân tộc thiểu số có rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mình nhưng đang dần bị mai một.  Đồng thời, là người dân tộc nhưng nhiều em không biết hát dân ca, dệt vải hay các phong tục tập quán của mình.

Theo đó, các thầy cô đề nghị nên lồng ghép các tiết học trải nghiệm bằng văn hóa của dân tộc vào chương trình học để bảo vệ nét đẹp, truyền thống và bản sắc văn hóa.

gap-mat-bo-giao-duc.jpg

Theo cô Lý Thị Thu – giáo viên Trường Tiểu học xã Long Đồng, huyện Bắc Sơn – tỉnh Lạng Sơn 20 năm công tác trong nghề cho biết: “Các trò chơi dân gian của các dân tộc lâu nay được khuyến khích đưa vào các giờ học. Tuy nhiên bao nhiêu năm nay chỉ trên lý thuyết chưa được vận dụng vào thực tiễn các giờ học. Theo đó tôi đề nghị nên lồng ghép vào chương trình học”.

Thầy Thạch Sa Quên – Khmer giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A – huyện Cầu Ngang – tỉnh Trà Vinh cho biết: "Đối với Trà Vinh phần lớn là dân tộc Khmer, bộ môn tiếng Khmer có 2-3 tiết ở Tiểu học, cấp 2-3 thì gần như không có. Như vậy tôi mong muốn được lồng ghép vào các cấp cao hơn để học”.

Liên quan đến vấn đề tiếng Việt của trẻ mầm non người dân tộc thiểu số còn yếu, dinh dưỡng còn hạn chế, ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc - Bộ GD-ĐT cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Bộ GD-ĐT cùng Ủy ban dân phối hợp trình Chính phủ có chế độ ăn trưa cho trẻ em dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Tuy nhiên, việc này cần có lộ trình vì liên quan đến nguồn lực, nhất là giai đoạn vừa qua, chúng ta gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành 20% cho giáo dục địa phương. Theo chương trình mới, nhà trường, giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Do đó, các nhà trường, giáo viên có thể chủ động trong việc đưa các trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc mình vào nhà trường một cách phù hợp.

Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Sau năm năm triển khai, chương trình đã vinh danh 214 giáo viên tiêu biểu trên các mặt công tác như: "bám bản" ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là cán bộ, chiến sĩ biên phòng; các nhà giáo dạy học sinh khuyết tật; thầy, cô giáo dạy học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số gửi tâm tư tới lãnh đạo Bộ GD-ĐT