Ngày 19/1, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Chương trình môn học mới để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đồng thời, Bộ cũng muốn lắng nghe tâm tư, những góp ý của các chuyên gia, giáo viên về Chương trình các môn học mới này.
Đánh giá cao về Chương trình mới của môn tiếng Anh, thầy Phan Hữu Danh – (giáo viên môn tiếng Anh trường THCS Xuân Diệu – Can Lộc – Hà Tĩnh), người có hơn 15 năm gắn bó với nghề giáo viên chia sẻ: “Nhìn tổng thể chương trình môn tiếng Anh mới, tôi đánh giá khá cao về chương trình này. Đồng thời, chương trình mới đã khắc phục được rất nhiều hạn chế mà chương trình hiện hành đang gặp phải”.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, Chương trình môn tiếng Anh mới tăng cường kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Ảnh Hải Nam.
Thầy Danh phân tích: “Chương trình mới môn tiếng Anh, giúp học sinh có cơ hội học kỹ năng giao tiếp nhiều hơn, thời gian thực hành giao tiếp cũng nhiều. Đồng thời, dự thảo lần này nói rất rõ về phương pháp giao tiếp. Giao tiếp đóng vai trò chủ đạo, không xem nặng kiến thức ngữ pháp như chương trình cũ. Các bậc học được xác định mục tiêu giao tiếp cần đạt được rất rõ ràng”.
Cũng theo ý kiến của nhiều giáo viên dạy tiếng Anh, chương trình hiện hành đang nặng nề về ngữ pháp. Chính vì vậy, khi học sinh giao tiếp hay tham gia các cuộc thi về môn tiếng Anh, phần điểm ngữ pháp rất cao, nhưng đến phần thi giao tiếp thì điểm rất thấp. Đó là mình chứng rõ nhất để chúng ta thấy hạn chế.
“Bởi hiện nay, chương trình hiện hành chưa có nhiều thời gian để các em học giao tiếp nhiều, mặt khác cơ hội để các em giao tiếp với người nước ngoài cũng rất ít. Trong khi đó, thời lượng 45 phút trên lớp không chỉ học một kỹ năng mà giáo viên phải dạy nhiều kỹ năng. Chính vì vậy, khả năng phát âm chuẩn của các em cũng rất khó, thậm chí nhiều em phát âm sai hoàn toàn”, một nữ giáo viên ở Hà Nội chia sẻ.
Theo như dự thảo mà Bộ GD-ĐT đưa ra, thì môn tiếng Anh được phân ra rõ ràng về lượng kiến thức Trong quá trình học, học sinh sẽ dễ tiếp thu hơn nhiều. Đồng thời, chương trình mới định hướng cho giáo viên cách dạy một cách chi tiết. Nên quá trình soạn bài dạy cũng dễ dàng, khắc phục được những tồn tại đang gặp hiện nay.
Thầy Danh cũng góp ý, nếu muốn được hiệu quả thì giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, tập trung vào phương pháp giao tiếp. “Hiện nay, nhiều học sinh học tiếng Anh từ cấp 1 nhưng sau khi học xong phổ thông cũng không có khả năng giao tiếp. Chính vì vậy, muốn chương trình mới hiệu quả thì giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy”.
Ảnh minh họa.
Trước đó, chiều nay (19/1), tại buổi công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như tiếng Việt/ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp....”.
Các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới). Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh. Từ lớp 1 trên cơ sở thể lực, học sinh được sắp xếp các học phần khác nhau (điền kinh, bơi lội, cầu lông...).
Đồng thời, sau cuộc họp báo hôm nay, Bộ sẽ chỉ đạo ban soạn thảo chương trình: Tiếp thu ý kiến nhân dân để hoàn thiện chương trình, điều chỉnh các chương trình ngay trong quá trình góp ý chứ không phải đợi hết 2 tháng. Hết 2 tháng sẽ tổng kết lại xem cần thay đổi gì thì báo cáo bộ ý kiến của người dân, những nội dung cần tiếp thu hoặc không tiếp thu thì sẽ có giải trình với lãnh đạo bộ. Sau đó sẽ đưa chương trình môn học ra thẩm định.
Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định lại lần nữa và sau đó sẽ có một chương trình tổng thể chính thức để ban hành.
Cũng trong cuộc họp báo chiều nay, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, theo tiến độ này, dự kiến tháng 4/2018, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để giáo viên có thể truyền tải được kiến thức tốt nhất trong chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn về chương trình cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và người biên soạn sách giáo khoa, người thẩm định sách giáo khoa.
Đồng thời, lần này nhiều tổ chức cá nhân sẽ tham gia biên soạn sách. Nên khác các lần trước, các nhà khoa học có kiến thức sâu, có ý định cống hiến nhưng chưa quen, chưa hiểu sát với chương trình cũng sẽ được tập huấn.