Câu chuyện cải cách chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền đã làm cho dư luận sục sôi suốt tuần qua. Nhiều giáo viên, chuyên gia ghi nhận những tâm huyết của ông, tuy nhiên nếu theo phương án cải cách này thì giáo viên và học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi học.
Học sinh và giáo viên sẽ gặp khó khăn khi học
Bà Nguyễn Thị Thuần- giáo viên về hưu (ở Hà Nội) gần như dành trọn cả cuộc đời cho việc dạy học, chính vì vậy khi nghe thông tin về đề xuất cải cách chữ quốc ngữ khiến bà không khỏi sốc và cho rằng: “Việc hiểu và truyền thụ tiếng mẹ đẻ cho học sinh còn gặp nhiều khiếm khuyết, hạn chế, nay chưa tròn chữ chính thống lại đổi sang một loạt ký tự mới, bà không rõ thầy và trò sẽ làm như thế nào để làm quen với hệ thống câu chữ mới”.
PGS.TS Bùi Hiền.
“Chẳng nói đâu xa, riêng việc hiểu lại hoàn toàn các sách vở tài liệu ở thư viện, rồi cả bộ sách giáo khoa, cũng là điều không tưởng rồi. Giả sử dùng hệ thống ngôn ngữ mới, lứa học sinh về sau muốn đọc tài liệu, sách vở nghiên cứu của bây giờ và trở về trước chắc phải cần đến thông dịch viên”, bà Thuần nói.
Bà Thuần phân tích thêm, giả sử đồng ý với cách cải tiến chữ quốc ngữ mà PGS. TS Bùi Hiền đưa ra thì người học và người dạy gặp không ít khó khăn: “Hệ thống chữ mới không khác nào phủ nhận toàn bộ những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt ta - một kho tàng lớn về văn học và ngôn ngữ từ xưa đến nay. Tôi thấy không có lợi lộc gì ở đây hết, vô bổ và tốn thời gian vô cùng”.
Còn cô Trịnh Thu Tuyết- nguyên giáo viên Ngữ văn THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhìn nhận, khách quan mà nói, Tiếng Việt có rất nhiều điều bất hợp lý cả trăm năm nay. Hay nói cách khác, đó là những bất hợp lý được hợp lý hoá bằng ước lệ mang tính mặc định trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ Việt, ví dụ các chữ cái c/k/q, r/d/gi, ng/ngh, g/gh...
"Những mặc định đó tồn tại lâu dần thành thói quen. Chính vì thế, sự thay đổi thói quen đã hình thành hàng trăm năm là điều cực kì khó chấp nhận. Khó từ việc đưa ra phương án thay đổi tới vấn đề giải quyết những hệ lụy cũ trong các văn bản đã tồn tại hàng trăm năm nay, đặc biệt là khó khăn trong tâm thế tiếp nhận của cộng đồng”, cô Thu Tuyết cho biết.
Theo cô Trịnh Thu Tuyết, vấn đề đặt ra là phải tìm ra phương án tốt nhất cho sự thay đổi. Nếu đó là phương án vừa khoa học vừa không thay đổi quá nhiều những yếu tố có sẵn, tránh gây sốc cho cộng đồng thì sẽ tiệm cận hơn đến sự thuận chiều của dư luận.
“Đề xuất của PGS Bùi Hiền có nhiều điều chưa thuyết phục người sử dụng tiếng Việt nên bị gây phản ứng tiêu cực cũng là điều dễ hiểu. Tiếng nói có trước, chữ viết có sau, vậy chữ phải thể hiện được đầy đủ các sắc độ tinh tế của tiếng nói, không thể xoá nhoà và đồng nhất các sắc độ ấy, không thể thay đổi chính âm và buộc người sử dụng ngôn ngữ chạy theo chính tả khi đồng nhất x/s; ch/tr; r/d”, cô Tuyết phân tích.
Cách viết mới của chữ quốc ngữ mà PGS.TS Bùi Hiền đề xuất.
Đề xuất của PGS. TS Bùi Hiền lạ
PSG. TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: “Đề xuất cải tiến chữ viết của PGS. TS Bùi Hiền là quá lạ, quá khó và không khả thi, nhưng chúng ta không nên thấy lạ mà vội vã phản bác”.
PSG. TS Phạm Văn Tình cho biết thêm, ông đã đọc bài nghiên cứu về đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền từ tháng 9/2017 tại hội thảo “Ngôn ngữ ở VN: Hội nhập và Phát triển” (do Hội Ngôn ngữ học VN và Trường đại học Quy Nhơn tổ chức). Đồng thời, ông cũng là người biên tập chính cho cuốn kỷ yếu và đã đồng ý cho in bài tham luận của PGS. TS Bùi Hiền vì tôn trọng ý kiến cá nhân.
“Một hội thảo khoa học, càng nhiều ý kiến khác nhau càng phong phú. Nhưng tôi phải khẳng định, ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngữ học, trình bày về một ý tưởng đã từng có. Đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước định đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay”, PSG. TS Phạm Văn Tình cho hay.
Hình như mọi người đang quan trọng hóa vấn đề, thấy phương án của PGS.TS Bùi Hiền đưa ra là quá lạ, quá khó, nên ra sức chỉ trích.
“Tôi nhớ lại mấy năm trước đây, khi TS Quách Tuấn Ngọc có đề xuất đưa thêm 4 chữ cái (F, J, F, W) vào Bảng chữ cái tiếng Việt cũng nhận được phản ứng rất gay gắt từ phía dư luận. Đấy chỉ là một ý kiến tham khảo thôi mà. Ông Bùi Hiền có luận cứ riêng của ông, chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của ông đối với tiếng Việt”, PGS TS Phạm Văn Tình nhấn mạnh.
Trước làn sóng chỉ trích của dư luận về ý tưởng của PGS.TS Bùi Hiền, PGS TS Phạm Văn Tình chia sẻ: “Sự kiện vừa qua làm xới lại một vấn đề, chữ Quốc ngữ rõ ràng còn tồn tại nhiều bất hợp lí. Chúng ta cần nhìn nhận lại sao cho thấu đáo dưới góc độ ngôn ngữ học. Nhưng mọi người cứ yên tâm, chưa có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Chữ Quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó, mặc dù nó còn bộc lộ những bất hợp lý. Tuy nhiên, những bất hợp lý này cũng giống như những bất hợp lý của nhiều ngôn ngữ khác”.
“Việc ta trao đổi cứ trao đổi, vì khoa học chấp nhận điều này. Tôi nhắc lại, trong Kỉ yếu (NXB Dân Trí, 2017) vừa rồi, có in 264 báo cáo mà trong đó có nhiều vấn đề hay và "nóng" hơn nhiều. Mong dư luận tập trung quan tâm tới những vấn đề đó. Chẳng hạn việc sử dụng tiếng nước ngoài, ngôn ngữ giới trẻ, ngôn ngữ công nghệ số...” , PGS.TS Phạm Văn Tình chia sẻ.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, chúng ta đừng chạy theo nước ngoài, du nhập theo kiểu “hòa tan” mà nên giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nên giữ đúng bản sắc của ông cha.
PV Báo điện tử Công lý sẽ tiếp tục thông tin xung quanh sự việc gây chú ý này.