Nơi nhiều, nơi ít, thậm chí thưởng Tết chỉ có cân đường, gói mỳ chính…nhưng chính những thầy cô giáo mặc dù “ngậm ngùi” nhưng vẫn cho rằng đó là điều bình thường.
Thầy Hoàng Văn Chương (Yên Định, Thanh Hóa) cho rằng, có sản xuất, kinh doanh, có sản phẩm, quy ra tiền mới có thưởng. Nghề giáo là một nghề đặc thù, sản phẩm là kiến thức cho học sinh - thứ không thể đo đếm được. "Hơn nữa, giáo viên đã có 3 tháng nghỉ hè được hưởng lương. Mỗi năm cũng có chút chế độ riêng của ngày 20/11, khai giảng năm học mới, các ngành khác làm gì có những điều này. Thầy cô hãy coi đó là thưởng Tết, không nên than vãn" - Thầy Chương nói.
Tương tự, cô Nguyễn Việt Hòa - giáo viên tiểu học tại Cao Bằng cho biết, ngân sách ngành giáo dục chi cho các trường không có khoản nào dành cho thưởng Tết giáo viên cả. Các trường ở thành phố, miền xuôi có chút tiền thưởng cho giáo viên là nhờ vào tổ chức dạy thêm, học thêm, cho thuê địa điểm, được tài trợ, tiết kiệm điện nước... còn giáo viên vùng sâu, vùng xa thì không có các khoản đó. "Không có thưởng Tết là điều rất bình thường của ngành giáo dục, có thưởng Tết mới là bất thường" - cô Hòa nói.
Đối với các giáo viên vùng cao, chỉ cần vận động được tấm áo ấm cho học sinh mặc Tết đã là một niềm vui.
Một giáo viên tiểu học tại quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) khi được hỏi về mức thưởng tết cho giáo viên lại cho hay: “Tết của giáo viên ở TP.HCM chắc là bớt “thê thảm” nhất so với các tỉnh khác. Tết Nguyên đán hàng năm, chúng tôi vẫn nhận được quà Tết của đại diện thành phố là 2 triệu/giáo viên. Ngoài ra, UBND quận cũng “động viên” chúng tôi thêm mỗi người 1,5 triệu đồng.
Phía nhà trường, giáo viên được xếp theo loại A, B, C. Với loại A, tức là giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều thành tích thì được “thưởng” 500 nghìn đồng. Tương tự như vậy, với mức xếp loại hạng B thì được “thưởng” 350 – 400 nghìn và loại C là 200 nghìn đồng.
Khi nói chuyện với các đồng nghiệp dạy ở vùng sâu, vùng xa, nghe họ chia sẻ họ không có khái niệm “thưởng Tết” bao nhiêu năm nay rồi, lúc ấy sống mũi tôi thực sự cay cay. Cũng là giáo viên nhưng mình thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp khác".
Cô giáo Đỗ Thị Hằng – giáo viên trường Tiểu học Thạch Lập 1, Thanh Hóa lại cho biết: “Thường vào cuối năm, công đoàn của trường sẽ trích ra một phần tiền nhỏ để tặng các thầy cô cuốn lịch hay cân đường làm thưởng Tết. Người ta bảo “phú quý sinh lễ nghĩa”, người dân ở đây họ còn khó khăn lắm, họ còn chưa đủ sức lo Tết cho gia đình thì làm gì có thời gian nghĩ đến giáo viên được nữa. Tôi dạy ở đây hơn chục năm nay, đã quá quen với điều đó. Nhiều khi chứng kiến cảnh gần Tết, phụ huynh lếch thếch đi vay tiền mua lương thực mà rơi nước mắt nên việc không có thưởng Tết chúng tôi thấy bình thường".
Hỏi chuyện thưởng Tết, cô Vũ Thị Hà - giáo viên tiểu học ở Tuần Giáo (Điện Biên) gạt đi: "Gần 20 năm làm nghề có biết đến thưởng Tết là gì đâu mà nói". Cô Hà cho biết, giáo viên vùng cao chỉ mong đến tháng không bị chậm lương, ngày Tết được nghỉ đúng thời gian để về ăn Tết cũng gia đình là vui lắm rồi.
"Năm nào giáp Tết, các thầy cô trong điểm trường cũng phải vận động tìm mọi mối quan hệ quen biết dưới xuôi xem chỗ nào có thể xin cho học trò ít quần áo ấm, đôi ủng, ít gạo, cái bánh chưng... để học sinh ăn Tết. Còn thầy cô, có năm phải trích lương để lại cho người nào ở lại trực trường, lấy đâu ra thưởng" - cô Hà nói.
Khá khẩm hơn, thầy Nguyễn Văn Phúc - giáo viên tiểu học tại Bát Xát (Lào Cai) cho biết, Tết năm nào giáo viên trường thầy cũng được tặng 1 cân đường, 1 gói mì chính, ít bánh kẹo và 1 cặp bánh chưng. "Quà này thực ra cũng là trích từ tiền tiết kiệm của giáo viên cả. Tết về có chút quà cho vợ, cho con, thắp hương ông bà tổ tiên" - Thầy Phúc nói.
Tuy không biết đến thưởng Tết, nhưng rất nhiều thầy cô lại cho rằng, điều đó là hoàn toàn bình thường và không nên kêu ca, than vãn. Đối với những thầy cô giáo chỉ cần có thời gian bên gia đình, được nghỉ đúng hạn, vận động được tấm áo ấm cho học sinh...với họ đó đã là niềm vui.