Bộ GTVT vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015. Đồng thời, Sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 -2020.
Còn nhiều tồn tại cần khắc phục
Sản lượng vận tải 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt khoảng 546 triệu tấn hàng và 1.611 triệu lượt hành khách; tăng 5,7% về sản lượng vận tải hàng hóa và tăng 7,4% sản lượng vận tải hành khách so với 6 tháng đầu năm 2014. Bộ đã phối hợp với Bộ Công an tiến hành sơ kết công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) và triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Nhờ đó, công tác KSTTX tiếp tục được siết chặt. Từ ngày 01/01/2015 đến ngày 22/6/2015, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm tra 225.668 xe, phát hiện, xử lý 24.236 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 10,74%).
Tình hình TNGT 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2014;
Công tác thi công các dự án, công trình hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ. Đã hoàn thành vượt tiến độ 59 công trình, dự án để đưa vào khai thác, phục vụ đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Việc triển khai thực hiện các đề án đã được phê duyệt tại một số cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm tiến độ và hiệu quả. Vẫn còn nhiều xe quá tải chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Công tác an ninh, an toàn hàng không vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần làm rõ nguyên nhân và kịp thời khắc phục.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
TNGT đường sắt tăng cả về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2014. Công tác quản lý chất lượng và thực hiện bảo trì một số công trình đang trong thời gian bảo hành cần được quản lý chặt chẽ hơn để hạn chế và khắc phục triệt để các hư hỏng phát sinh, nhất là hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên đường bộ; hệ thống bảo đảm ATGT như sơn kẻ tín hiệu, biển báo hiệu đường bộ phải tiếp tục rà soát chặt chẽ hơn nữa, kịp thời khắc phục các hạn chế để bảo đảm TTATGT và nâng cao năng lực vận tải, lưu thông của phương tiện. Kết quả giải ngân các dự án còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra, nhất là đối với các dự án BOT.
Đối mặt với nhiều thách thức
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, ngành Đường sắt đang đối mặt với thách thức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.
Cụ thể, khi cao tốc Nội Bài-Lào Cai thông xe, lượng khách đi tuyến này bằng đường sắt đã giảm 50%. Sắp tới khi tuyến Quốc lộ 1 hoàn thành, đường sắt sẽ đối mặt với việc cạnh tranh từ vận tải ô tô lớn hơn nữa, nhất là đoạn Hà Nội-Vinh, Sài Gòn-Nha Trang. Các hãng hàng không giá rẻ hiện nay cũng là đối tượng cạnh tranh khốc liệt của đường sắt.
Bên cạnh đó, giao thông đường sắt đang mất an toàn nghiêm trọng. Số vụ tai nạn đường sắt tăng 36% so với cùng kỳ, chủ yếu xảy ra ở các đường ngang. “Hiện tại, trong số 6.000 đường ngang thì chỉ có khoảng 10% có người gác, 4.500 đường ngang dân sinh không có người gác. Nếu như đến năm 2020 nâng tốc độ chạy tàu lên 90 km/h, thì với hệ thống đường ngang như hiện nay không thể chạy được”, ông Vũ Tá Tùng cho biết.
Tương tự như đường sắt, hàng không tiếp tục đối mặt với thách thức khi chỉ số về an toàn giảm, tình hình trộm cắp hành lý gia tăng. 6 tháng đầu năm có 41 sự cố về an toàn. Chỉ số về an toàn giảm từ 0,367 còn 0,364/1000 chuyến bay. Độ tin cậy về kỹ thuật tăng, tuy nhiên sự cố máy bay va vào chim, và yếu tố con người tăng 0,027 - con số này được đánh giá là cao.
Còn đường bộ thì tiếp tục “nóng” với vấn nạn xe quá tải. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng xe quá tải đến nay đã giảm rất nhiều. Ban ngày không còn xe quá tải đi nghênh ngang như trước đây. Đa số các tỉnh đều thực hiện kiểm soát rất quyết liệt, chỉ còn lại khu vực miền Bắc ở các tỉnh có mỏ nguyên vật liệu và khu vực miền Trung.
Liên quan đến vấn đề hằn lún đường trên Quốc lộ 1A đoạn nam cầu Bến Thủy, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng đường hỏng thì phải dừng thu phí. Bộ trưởng cũng đặt ra câu hỏi tại sao Tập đoàn Sơn Hải có thể bảo hành đường 5 năm không cần chu kỳ sửa chữa, bảo trì khi cùng tuyến đường miền Trung có Cienco 4 thi công và yêu cầu Cienco 4 nên chủ động học hỏi công nghệ thi công. Trước vấn đề này, Tổng Giám đốc Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh cho biết, Cienco 4 đang triển khai các biện pháp khắc phục sửa chữa và cam kết đến hết tháng 12/2015 sẽ cào bóc và sửa xong toàn tuyến đường này.
Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, Tổng Công ty sẽ tập trung rà soát các nút thắt để nâng cao năng lực thông quan, tăng số lượng đoàn tàu cũng như tăng tải trọng; tập trung xã hội hóa, cải tạo nâng cấp năng lực các nhà ga, boong ke.
Đối với việc đảm bảo an toàn đường ngang dân sinh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm trong việc phải kéo giảm số vụ tai nạn giao thông ở đường ngang. Vì vậy, Tổng Công ty đang chuẩn bị đầu tư, cải tạo 291 đường ngang theo kế hoạch đã trình Bộ GTVT, đưa rào chắn tự động vào sử dụng để rút bớt người, chuyển sang các vị trí khác, giảm số đường ngang không có người gác.
Với hàng không, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng, giải pháp cơ bản là phân định trách nhiệm của đơn vị. Nếu hành lý, hàng hóa nằm trong phạm vi đơn vị nào thì quản lý đơn vị đó chịu trách nhiệm bồi thường. Đấy cũng là cách xác định hành lý, hàng hóa bị mất ở khâu nào.
Liên quan đến dự án sân bay Long Thành vừa được Quốc hội thông qua, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lê Mạnh Hùng cam kết, khi có kế hoạch cụ thể, ACV sẽ chọn được nhà đầu tư trong 6-8 tháng, trong 15-17 tháng sẽ xong tư vấn của sân bay Long Thành. Phấn đấu năm 2019 khởi công dự án Cảng Hàng không Long Thành, năm 2022 hoàn thành và đầu năm 2023 đưa vào khai thác theo đúng kế hoạch Bộ GTVT đưa ra.
Tập trung cho 6 tháng cuối năm
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: “Mặc dù 6 tháng đầu năm 2015 ngành GTVT thu được kết quả đáng khích lệ, nhưng không thể tự mãn. Chúng ta không phấn đấu để giữ vị trí số 1, mà phấn đấu tất cả các tiêu chí đạt số 1 trở lên”.
Cụ thể, cần tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm, trong đó có nhiều dự án lớn như cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Cầu Mỹ Lợi, đưa Quốc lộ 1 vào khai thác, đảm bảo tiến độ gắn với chất lượng, khắc phục triệt để hiện tượng hằn lún không chỉ trong mùa nóng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải tập trung các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, tai nạn giao thông phải giảm cả 3 tiêu chí từ 5-10% và tập trung tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp cổ phần hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp và cả quốc gia. Cụ thể, 6 tháng tới phải hoàn thành cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
“Dự án Cảng Hàng không Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia. Để hoàn thành đòi hỏi rất nhiều công việc. Hiện Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ACV làm chủ đầu tư. Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp hết sức quan tâm đến dự án này”, Bộ trưởng GTVT cho biết.