30 điểm vẫn trượt đại học và 10 điểm thì ung dung trở thành một giáo viên tương lai. Câu chuyện về giáo dục, về bức tranh tương phản của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đang khiến nhiều người lo ngại.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm với sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu ở cả ba đầu cầu Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trấn an dư luận, trấn an những người đang đau đáu với nền giáo dục nước nhà là hãy "bình tĩnh".
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, đừng nhìn hiện tượng mà đánh giá bản chất. Thực tế những gì vừa diễn ra đã phản ánh rất khách quan về kỳ thi THPT Quốc gia.
Một kỳ thi xuất hiện hiện tượng chưa từng có là 30 điểm vẫn trượt...đại học và song song với nó chỉ cần mỗi môn 3 điểm cũng có thể trở thành một sinh viên sư phạm, một nhà giáo trong tương lai. Dư luận đã đặt câu hỏi, một đội ngũ nhà giáo với đầu vào chỉ 10 điểm thì giáo dục sẽ đi về đâu?
Câu hỏi này thực khó, bởi suốt một thập kỷ qua ngành giáo dục đã liên tục và liên tục đưa ra những giải pháp, những bước cải cách chiến lược với kinh phí hàng ngàn tỉ đồng nhưng bức tranh của giáo dục vẫn không mấy sáng sủa.
Nhưng nếu chúng ta để ý thì thấy rằng, vòng luẩn quẩn của cải cách giáo dục vẫn loanh quanh ở những con số. Đó là chỉ tiêu cho giáo dục, những điểm số của học sinh và thậm chí là cả mức thu nhập của giáo viên...
Xét ở mức chi tiêu xã hội cho giáo dục, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước chiếm 60% tổng mức chi tiêu và tỷ lệ chi từ dân và các nguồn khác chiếm 40%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2006, tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục từ phía người dân và các hộ gia đình ở Việt Nam cao hơn cả các nước đang phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản và các nước OECD (các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).
Thế nhưng đời sống của giáo viên thì quá eo hẹp, bấp bênh, nhiều thầy, cô phải ngậm ngùi bỏ nghề về quê...chăn vịt.
Thế mà hồi đầu năm, người đứng đầu ngành lại "dội gáo nước lạnh" khi tuyên bố sẽ bỏ biên chế giáo viên khiến nhiều người chết điếng. Và rồi, dường như trái ngược với những tuyên bố trước đó, trong hội nghị Tổng kết năm học Bộ trưởng Giáo dục lại đề nghị các trường sư phạm cần học hỏi trường Công an, Quân đội. Rằng, phải ưu tiên về học phí và hỗ trợ đầu ra cho những giáo viên tương lai. Như vậy chẳng phải quay lại cơ chế bao cấp hay sao?
Nếu không có bao cấp, ngành sư phạm có vực dậy được hay không? Rõ ràng, có thực mới vực được đạo. Giáo dục chỉ chăm chăm dồn tiền vào cải cách sách giáo khoa, cải cách phương pháp, chương trình dạy và học nhưng bỏ qua một khâu cốt yếu là nâng cao đời sống của giáo viên và chi phí cho giáo dục một cách hợp lý.
Một ngành quá khó xin việc, muốn vào biên chế khó hơn lên trời, thu nhập từ công việc thấp, một nghề cao quý nhưng lại không được xã hội đề cao, trọng vọng. Hàng loạt những bất cập như thế nhưng qua mấy đời Bộ trưởng vẫn không có nổi một giải pháp căn cơ.
10 điểm vào học trường sư phạm, sự việc này khiến dư luận nhắc lại những câu châm ngôn từ rất xưa như "Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm", hay "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm...". Và thật kỳ lạ những câu nói này có từ mấy chục năm về trước nhưng đến giờ nhắc lại vẫn thấy rất mới. Vậy kết quả của cải cách giáo dục là gì?
Một đề án ngoại ngữ 9.400 tỷ đồng sắp đi hết chặng đường 10 năm vẫn là những chỉ số đáng thất vọng; hay kinh phí hơn 34.000 tỷ cho chủ trương đổi mới SGK khiến dư luận choáng váng đã không thể thực hiện. Và rồi cho đến lúc này, người đứng đầu ngành giáo dục đang kêu gọi sự kiên nhẫn của người dân vì theo Bộ trưởng để nâng tầm vóc giáo dục phải có thời gian, không thể chuyển biến trong một sớm một chiều.
Không ai biết lộ trình cải cách thành công giáo dục là bao giờ, nhưng chắc chắn khi ấy rất nhiều những sinh viên sư phạm thi đầu vào 9, 10 điểm đã tốt nghiệp ra trường!