Giáo dục giới tính trong nhà trường đang dần trở thành vấn đề cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại khi đây là vấn đề rất nhạy cảm, nên dạy và không nên dạy những gì để tránh “vẽ đường cho hươu chạy"?
Xâm hại tình dục trẻ em - SOS!
Số liệu thống kê mới nhất được công bố cho thấy trong vòng 5 năm (từ 2011-2015), trên cả nước có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015, số đối tượng tăng lên hơn 1.400 đối tượng.
Cũng theo thống kê, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước. Có những trường hợp do sự lơ là của người lớn, nhưng cũng có trường hợp các em bị xâm hại ở những nơi ít ngờ đến nhất. Đặc biệt, có nhiều trẻ em bị xâm hại ngay trong trường học hoặc ở tại nhà cô giáo của mình. Điển hình như vụ việc gần đây 10 em học sinh khi đi học thêm ở nhà cô giáo (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đã bị chính cậu con trai học lớp 7 của cô giáo xâm hại.
Trong buổi toạ đàm về quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực học đường, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết: “Các số liệu về bạo lực và lạm dụng tình dục tại Việt Nam và các nước châu Á vẫn còn ít, tuy nhiên những bằng chứng hiện tại cho thấy tình trạng bạo lực và lạm dụng tình dục tại trường học và trên đường đến trường đang rất đáng báo động. Tại Việt Nam, 19% số học sinh từng bị quấy rối tình dục, 10% số học sinh từng bị bạo lực tình dục, trong đó 81% là trẻ em gái; 17% số học sinh từng bị cưỡng hôn, 20% số học sinh từng bị động chạm không mong muốn.
Tổn thương về thể xác, tinh thần, mất niềm tin vào cuộc sống, thậm chí báo động về tình trạng nạo, phá thai trong lứa tuổi thanh thiếu niên là những vấn đề đáng lo ngại.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đưa giáo dục giới tính trong học đường vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng. Câu hỏi: “Nên dạy cái gì và không nên dạy cái gì” đang là chủ đề “nóng” được nhiều phụ huynh quan tâm.
Đã đến lúc cả thầy cô giáo và phụ huynh nên thay đổi cách truyền đạt tới học sinh về giáo dục giới tính. Ảnh: Minh họa
Chương trình trong trường phổ thông còn “mỏng”
Ở nước ta, trong chương trình giáo dục phổ thông, các em học sinh được tiếp cận với giáo dục giới tính lần đầu tại bài giới thiệu về cơ thể người môn Sinh vật lớp 9 (chương trình cũ), lớp 8 (chương trình mới), tức là các em khoảng 15 - 16 tuổi. Tuy nhiên, với sự phát triển hiện nay, tình trạng học sinh dậy thì sớm từ 12 - 14 tuổi là khá phổ biến. Chương trình lớp 9 mới tiếp cận kiến thức về giới tính có vẻ là “quá cũ”, quá mỏng so với thực tế.
Trong khi đó, ở những nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Pháp... giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy từ rất sớm. Ngay từ cấp 1, các em học sinh đã quen thuộc với môn giáo dục giới tính như một môn học chính thức, quan trọng chẳng kém gì học toán hay học văn. Những bài học đầu tiên các em được giới thiệu về cấu tạo, chức năng các “cơ quan giới tính” của nam và nữ, tiếp đến là những biến đổi của cơ thể khi lớn lên, khi bước vào tuổi dậy thì.
Nguyệt san, vỡ giọng, “rừng rậm” xuất hiện, những “giấc mộng ẩm ướt”... đều được lý giải một cách tường tận từ nguyên nhân, đến những trục trặc có thể xảy ra. Trường hợp “núi đôi” phát triển, hay nguyệt san xuất hiện mà nghĩ bị… khối u, bị bệnh… sắp chết không bao giờ có ở thế giới của teens Mỹ. Đơn giản vì các em đã hiểu rõ về cơ thể mình, về những biến đổi ngay cả khi nó chưa đến.
Ở Anh, trẻ em bắt đầu được giáo dục giới tính khi còn mầm non. Pháp luật Anh quy định rất rõ rằng trẻ khi đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu học về giới tính một cách bắt buộc. Chương trình với tên gọi “Khóa học Nhà nước yêu cầu” được áp dụng cho tất cả học sinh tại các trường công lập hay tư thục cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Tại Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc từ 10 hay 11 tuổi, chủ yếu đề cập tới các chủ đề sinh học như kinh nguyệt và xuất tinh. Các quốc gia châu Á thường giáo dục giới tính cho trẻ từ 9 tuổi.
Dạy gì để tránh “vẽ đường cho hươu chạy”
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip cô giáo Lê Thủy Tiên (24 tuổi), giáo viên của Trung tâm Tư vấn tâm lý và Đào tạo kỹ năng Phượng Hồng - Hải Phòng dạy học sinh cách sử dụng bao cao su đã dấy lên một làn sóng “nên dạy và không nên dạy những gì cho học sinh”.
Có vị phụ huynh cho rằng anh cảm thấy “bất an” khi xem clip này, bởi như vậy học sinh sẽ học theo những gì mà cô giáo đã dạy, vô hình sẽ đưa các em đến tình trạng quan hệ tình dục quá sớm.
Tuy nhiên, có phụ huynh lại nhận định: “Tôi là người trưởng thành, nhưng khi xem clip mới biết mình “toàn làm sai”, việc dạy cho các em kiến thức là cần thiết, vì giờ đây khi mà internet đã trở nên công cụ không thể thiếu thì dạy các em làm thế nào để an toàn nhất mới là điều quan trọng”. Vị phụ huynh này cho biết thêm “thà vẽ đường cho chúng chạy đúng, còn hơn để chúng tự chạy mà chạy sai”.
Tương tự như đoạn clip của cô Thủy Tiên, bộ sách giáo dục của học sinh lớp 2 ở Trung Quốc cũng đã và đang gây nhiều tranh cãi đối với các phụ huynh khi in hình bộ phận sinh dục của nam và nữ. Đa số các phụ huynh thường “lờ đi” hoặc “né tránh” và cho rằng không nên đưa những bộ phận “nhạy cảm” lên trang sách bởi giới thiệu với các em như vậy là quá sớm.
Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát mới đây tại TP Hồ Chí Minh, chính các em học sinh cũng bày tỏ băn khoăn khi những nhu cầu về kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản của tuổi mới lớn các em không biết tìm hiểu từ đâu.
Chương trình học đề cập qua loa, giáo viên và phụ huynh thì né tránh nên các em thường tự mày mò thông tin trôi nổi trên mạng rất nguy hiểm. Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu các các đơn vị giáo dục tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục giới tính trong trường học trên địa bàn thành phố.
Đã đến lúc chúng ta không thể “lờ đi” hoặc “lo sợ” những kiến thức về giới tính trong trường học sẽ “vẽ đường cho các em chạy” mà giáo dục là cần thiết. Không chỉ giáo dục trong nhà trường mà cha mẹ, gia đình cũng nên cởi mở hơn trong việc truyền đạt các kiến thức về giới tính cho học sinh. Khi các em hiểu được đúng đắn về cơ thể mình, các em sẽ biết cách phòng tránh những xâm hại, thậm chí bảo vệ được mình khỏi những cám dỗ, cạm bẫy ngoài xã hội. Ngay cả trong trường học, hành vi trêu đùa, chọc ghẹo với những lời nói tục tĩu cũng là một hình thức xâm hại. Các nhà giáo dục cũng cần phải xây dựng chương trình giáo dục giới tính phù hợp với từng giai đoạn, từng lứa tuổi với học sinh để các em được sớm tiếp cận và bảo vệ chính mình.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng: “Giáo dục giới tính không thể nói vài lần là hết, mà phải có sự đồng hành của cả xã hội từ lúc trẻ bắt đầu đến trường cho đến khi có đủ kiến thức để tự bảo vệ hoặc chịu trách nhiệm về việc mình làm”.