Có một thực tế ngày càng nhức nhối là tình trạng trẻ em bị đánh đập, bắt nạt, bị quấy rối tình dục, xâm hại thân thể hiện nay ngày càng nhiều.
Nhà trường, gia đình, phụ huynh và cả xã hội vẫn loay hoay đi giải quyết hậu quả của tình trạng trẻ em bị đánh đập, bị bắt nạt, thậm chí là bị xâm hại thân thể, bị quấy rối tình dục… Có những trường hợp, chỉ khi sự việc đã xảy ra rồi, hậu quả nghiêm trọng để lại cho nạn nhân, nhiều người mới tá hỏa.
Giáo dục giới tính cho trẻ em vẫn là bài toán khó chưa có lời giải đáp. Ảnh minh họa
Hiện trạng này xảy ra đối với trẻ em không còn mới đối với xã hội. Bởi hàng ngày, ở đâu đó những hành vi bạo hành đối với trẻ em vẫn đang diễn ra thường xuyên, thậm chí nhiều đứa trẻ bị đánh đập, lạm dụng như cơm bữa. Nạn bạo hành trẻ em đã gây bức xúc trong xã hội và không một lý do nào có thể biện minh cho điều này.
Nửa đầu năm 2016, dư luận rúng động khi liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng khiến nhiều người đau lòng. Đó là trường hợp của một bé gái mới 6 tuổi ở TP Thái Nguyên bị mẹ nuôi đánh đập dã man đến gãy ngón chân vì “thầy” phán hai mẹ con không hợp tuổi, làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn. Hay trường hợp đáng thương của bé gái 7 tuổi bị bạo hành ngay tại một cơ sở tu tại gia ở Bình Dương.
“Trẻ em như búp trên cành", thế nhưng có nhiều người lớn lại quên mất đi điều thiêng liêng đó. Chỉ vài cơn nóng giận mà có thể hành hạ dã man một đứa bé không có khả năng kháng cự.
Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ đã xây dựng đường dây nóng (số 18001567) để ghi nhận, tư vấn và xử lý những vấn đề liên quan tới trẻ em. Mỗi năm đường dây này nhận khoảng 300.000 cuộc gọi. Tuy nhiên, việc truyền thông quảng bá đường dây chưa thường xuyên, đa số người dân chưa biết.
Còn theo khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có gần 80% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.
Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an cũng cho biết, mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện (kể cả xâm hại tình dục).
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự giáo dục ngay từ nhỏ ảnh hưởng rất lớn đến sư phát triển sau này của trẻ. Vì thế, nạn bạo hành trẻ em, xâm hại thân thể, hay quấy rối tình dục trẻ em là những hành vi không thể tha thứ và không thể biện hộ.
Để nâng cao nhận thức, ý thức cũng như những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ, sự ra đời của bộ sách giáo dục giới tính toàn diện là cần thiết đối với xã hội hiện đại.
Bộ sách giáo dục giới tính toàn diện vừa ra mắt công chúng
Bộ sách này sẽ góp phần trang bị kiến thức tự bảo vệ bản thân cho trẻ, cũng như trang bị kiến thức cho phụ huynh về việc hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ chính mình.
Trong số những cuốn sách mới ra, đáng chú ý có bộ sách gồm bốn cuốn do NXB Nhã Nam phát hành vào đầu tháng 6 là “Không là không”, “Bí mật rất cần bật mí”, “Thuyền trưởng cướp biển, gái tài như trai”, “An toàn cho con yêu”…
"Bí mật rất cần bật mí"
“Không là không” là cuốn sách nói về ranh giới cá nhân, trao quyền quyết định cho trẻ trong nhiều trường hợp bị ép uổng và tấn công. Đơn giản và rõ ràng, KHÔNG tức là KHÔNG! Trong khi đó, “Bí mật rất cần bật mí” là một công cụ giúp đỡ cha mẹ đề cập đến những bí mật tế nhị một cách phù hợp với lứa tuổi, để con thoải mái nói ra.
Tác giả của bộ sách nói trên là Jayneen Sanders. Cô vốn là một giáo viên tiểu học có kinh nghiệm, cũng là tác giả có nhiều năm viết sách trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em ở Úc. Jayneen Sanders viết sách cho trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc nuôi dạy trẻ. Cô cũng là người khởi xướng các diễn đàn thảo luận về bảo vệ trẻ em khỏi nạn bắt nạt, quấy rối và xâm hại tình dục. Sách của Jayneen được nhiều giải thưởng, được các chuyên gia uy tín công nhận và được dịch ra gần 10 ngôn ngữ, dùng trong nhà trường Anh, Mỹ, Úc...
Cách đây không lâu, tác giả Nguyễn Huy Hoàng cũng gây chú ý trong dư luận khi cho ra mắt bộ sách mang tên Quà cho con gồm 100 bài thơ dí dỏm, hải hước nhưng lại mang thông điệp xã hội ý nghĩa. 100 bài thơ trong Quà cho con tương ứng với 100 kĩ năng sống không nói chuyện cao xa mà hết sức bổ ích, trang bị tấm áo giáp của kĩ năng để con trẻ làm chủ cuộc đời: “Vần thơ mộc mạc nôm na/ Gom kĩ năng sống làm Quà cho con”- đúng như lời đề tựa của tác giả.