Gần đây, dư luận chứng kiến câu chuyện một học sinh ở Nghệ An tự tử vì bị tung clip hôn bạn trai lên mạng xã hội. Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn đến những câu chuyện buồn đó?
Nguyên nhân nào dẫn đến những câu chuyện buồn
Trước câu chuyện buồn đó, phóng viên báo Công lý đã trực tiếp phỏng vấn TS. Nguyễn Khánh Trung - Tổ chức Giáo dục Emile Việt.
TS Khánh Trung chia sẻ, có 3 nguyên nhân khiến số vụ tự tử trong lứa tuổi học trò ngày càng tăng, nguyên thứ nhất áp lực học từ phía trường học, thứ hai liên quan đến tâm lý lứa tuổi và thứ ba liên quan đến cách giáo dục của gia đình.
TS Nguyễn Khánh Trung tại buổi chia sẻ kinh nghiệm giáo dục với giáo viên trường Marie curie. Ảnh Ngô Chuyên.
TS Khánh Trung nói thêm: “Tôi biết nhiều trường hợp tự tử do bị chi phối tinh thần, suy nghĩ tiêu cực bắt nguồn từ áp lực của trường học. Áp lực về thành tích, điểm số…. Tôi tạm gọi là văn hóa thành tích, điểm số đã tồn. Và cái văn hóa đó đã tại rất lâu, ăn sâu vào mỗi người giáo viên, người làm giáo dục và cả phụ huynh”.
Một thực trạng đáng buồn nữa là nhiều phụ huynh họ hi vọng con mình có thể thực hiện ước mơ thay họ chính vì vậy vô hình chung họ gây áp lực lên con, buộc con họ phải có điểm cao, thành tích tốt thì phải học giỏi.
Là người trực tiếp tiếp xúc với nhiều học sinh, TS Khánh Trung đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện buồn khiến ông rơi nước mắt. Ông kể: “Tôi đã từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều học sinh, chỉ qua một vài câu hỏi của tôi là các em bộc bạch hết tâm sự của mình. Bởi ở nhà, các em không nói chuyện được với bố mẹ. Ví dụ: có em chia sẻ thích thể thao nhưng bố mẹ chỉ coi đó là môn giải trí không phải là một nghề nghiệp nghiêm túc mà muốn em phải trở thành bác sĩ hay như người nọ người kia…”.
Một nguyên nhân được TS Khánh Trung vạch ra nữa chính là nhiều bậc phụ huynh họ luôn đòi hỏi quá nhiều ở con mình, có những đòi hỏi vượt quá khả năng của con vô hình chung gây ra áp lực, khiến chúng nghĩ quẩn. “Đã có nhiều trường hợp học sinh bỏ nhà ra đi hay đánh bạn hoặc tệ hơn nữa là tự tử… để giải tỏa áp lực tâm lý…”. TS Khánh Trung ví dụ.
Theo TS Khánh Trung phân tích, bản chất của mỗi con người không giống nhau, mỗi em học sinh có một khuynh hướng riêng, một cách học riêng. Mỗi em là một sự khác biệt, người lớn phải hiểu sự khác biệt đó. Chuyện so sánh con mình với con hàng xóm thực sự rất không đúng và không công bằng với các em.
“Việc gì bị áp đặt lâu ngày làm cho đứa trẻ đánh mất chính mình, trở thành một người khác. Các em sống cho cha mẹ, như cha mẹ mong muốn, thầy cô mong muốn sống lâu ngày như thế, đến một ngày sẽ có ý nghĩ tiêu cực”, TS Khánh Trung chia sẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Hạn chế về kiến thức giới tính
Một thực trạng hiện nay đang diễn ra trong học sinh là việc yêu quá sớm thế nhưng những hiểu biết về giới tính rất hạn chế. “Bởi nhiều gia đình coi việc giáo dục giới tình cho con là vấn đề “nhạy cảm”, TS Khánh Trung nói.
Trong khi đó, giáo dục giới tính là giáo dục các kỹ năng để phòng tránh. “Đừng ngại vẽ đường cho hươu chạy, thà rằng vẽ đường để chúng chạy đúng và chúng biết cách bảo vệ mình. Chính vì vậy, nếu được trang bị những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ mình thì các em sẽ an toàn hơn”, TS Khánh Trung chia sẻ.
Trường hợp, nếu bố mẹ không dạy, coi chuyện giáo dục giới tính là vấn đề nhạy cảm, thì đó là hiểm họa. “Hiện Việt Nam là nước có tỉ lệ nạo phá thai rất cao. Trong khi đó, phương Tây rất thấp bởi họ giáo dục cho con em các kỹ năng, kiến thức giới tình ngay từ nhỏ như vậy sẽ giảm thiểu được những vấn đề tiêu cực không đáng có. Hơn nữa, đề tài giáo dục giới tính là một phần cuộc sống của con người, không có gì nhạy cảm cả”, TS Khánh Trung nói.