Giáo dục cần vận hành theo nguyên lý “Mỗi người học sẽ là một cá nhân hoàn thiện đạo đức”

Hạ Nhiên| 30/08/2022 16:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là một triết lý giáo dục của Nhật Bản năm 1879 từ Sắc chỉ giáo dục được Thiên hoàng Minh Trị ban bố. Đạo đức có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội, trong đời sống của con người, đạo đức là vấn đề thường xuyên được đặt ra và giải quyết nhằm đảm bảo cho cá nhân và cộng đồng tồn tại phát triển. Sống trong xã hội, mỗi người phải suy nghĩ về những vấn đề đạo đức để tìm ra những con đường bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của chính mình và cộng đồng.

Giáo dục bắt đầu từ dạy làm người

Ngày nay để xây dựng xã hội mới, chúng ta đang cần có những con người mới. Những con người phát triển toàn diện cả đức và tài. Tuy nhiên, cần chú ý trong quan hệ giữa đức và tài hôm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn lưu ý, nhắc nhở chúng ta phải coi trọng cả tài và đức nhưng phải lấy đức là gốc. Bởi lẽ tài năng chỉ có thể phát triển lâu bền trên nền của đức và tài năng chỉ có thể hướng thiện trên gốc của đức.

Đạo đức còn có nghĩa là ý thức tuân thủ kỷ luật cao độ được phản ánh thông qua quan niệm xem giáo dục là một con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó thanh niên tích cực học tập, tuân theo các chuẩn mực về tôn trọng mọi người xung quanh và tham gia đóng góp nhằm giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp, ai nấy đều tốt nghiệp và có việc làm.

1(1).jpg

Mãi bên nhau bạn nhé

Tất cả các em đến tuổi phải học hết tiểu học, học đàng hoàng, và phải dạy đạo đức sao cho khi các em tốt nghiệp tiểu học phải xứng đáng là những thiếu niên ham học hỏi, hiền ngoan, có thái độ và hành động đúng mực ở nơi công cộng và đối với các quan hệ xã hội. Phải làm dứt điểm từ cấp tiểu học, sau đó đến cấp 2, trung học và đại học. Phải dạy đạo đức sao cho khi các em tốt nghiệp tiểu học phải xứng đáng là những thiếu niên ham học hỏi, hiền ngoan, có thái độ và hành động đúng mực ở nơi công cộng và đối với các quan hệ xã hội. Giáo dục phải được nhìn nhận như hình tháp, rất vững chãi ở phần dưới rồi mới từ từ đi lên. Chỉ cần đi thực tế dọc các phố phường Hà Nội, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều các em tuổi trên dưới 15 đến từ các vùng nông thôn chưa học hết tiểu học, ngày ngày bán báo dạo, đánh giày, phục vụ trong các quán cơm… và về tác phong, đạo đức, còn quá nhiều tồn tại đáng lo ngại. Cấp 1 là thời điểm để trẻ nhỏ rèn luyện nhân cách, xây dựng những đức tính tốt và phát triển con người theo hướng toàn diện. Trẻ em được học cách tôn trọng người khác, yêu thương động vật và thiên nhiên. Nhà trường cũng dạy cho các em cách sống rộng lượng, cảm thông và biết chia sẻ từ những tình huống đạo dức trên lớp.

Tạo tính tự lập cho học sinh và không nên đặt nặng vấn đề thành tích

Ngày nay xã hội phát triển, đời sống con người được nâng cao, nên các bậc phụ huynh cũng luôn mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho con mình. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng xã hội phát triển hay không đều là do con người, đều do mồ hôi công sức lao động mà có. Trẻ em cũng cần phải nhận biết được điều đó ngay từ khi còn nhỏ. Phải biết được giá trị thật sự từ những gì chúng được hưởng, biết được nguồn gốc những điều kiện tốt chúng hưởng là từ đâu mà có. Nên đừng vì vậy mà sợ các con của mình vất vả. Phải tạo thói quen tìm niềm vui trong lao động, học tập cho chúng. Nên dạy chúng tự dọn dẹp lớp học, căng tin, thậm chí là cả toilet. Nên hình thành hoạt động thành nhóm cho các em, giúp tạo tinh thần đoàn kết và đồng đội.

2.jpg

Tuổi học trò yêu dấu

Trong nhận thức phụ huynh luôn kỳ vọng, đã đi học là phải giỏi các môn văn hóa, đặc biệt phải giỏi Văn - Toán nên thường chỉ quan tâm điểm số. Họ không có ý thức con học như thế nào, có năng lực gì mà quan tâm, định lượng năng lực con bằng điểm.

Hơn nữa, truyền thống giáo dục nước ta từ trước đến nay là đánh giá bằng điểm số, lấy điểm số làm căn cứ đánh giá, xếp loại trẻ. Thậm chí có những đứa trẻ bản thân rất tốt nhưng vì điểm học tập chưa tốt mà bị xếp hạ bậc hạnh kiểm. Như vậy, cách đánh giá của nhà trường và cách đánh giá của phụ huynh đã gây áp lực lên đứa trẻ rất nhiều. Trong khi theo học thuyết thông minh đa trí tuệ, con người có nhiều loại hình thông minh khác nhau, có loại hình này nổi trội hơn loại này khác: ví dụ như ngôn ngữ, toán học, không gian thị giác, âm nhạc, tự nhiên, giao tiếp, nội tâm...Trên thực tế, những người có chỉ số IQ cao nhưng chưa chắc đã thành đạt. Trong lúc đó, nhiều người không có chỉ số IQ nhưng họ ra đời lại rất thành đạt, điều này được lý giải là do họ có chỉ số cảm xúc EQ tốt. Mà chỉ số EQ được hình thành qua quá trình trải nghiệm, từ đó hình thành cảm xúc, sáng tạo.

3.jpg

Quên sao được những tháng năm đi học

Chính cha mẹ là người chưa hiểu mục tiêu giáo dục đứa con phải phát triển theo hướng nào nên chỉ biết ép con phải học giỏi, để có chỉ số IQ cao, phải lọt top đầu để thành đạt cho nên tạo áp lực lên con rất lớn. Ví dụ, cầu thủ đá bóng giỏi sẽ có chỉ số thông minh về cơ thể; ca sĩ sẽ có chỉ số thông minh về âm nhạc, người thợ cơ khí có chỉ số thông minh về độ chính xác, kỹ thuật... Thế giới đã rút ra bài học, nhiều người nổi tiếng, thành đạt không hẳn là người có chỉ số IQ cao. Trong khi tâm lý của người Việt hiện vẫn nặng về bằng cấp. Phụ huynh cũng cần phải thay đổi, bằng việc thường xuyên tương tác với trẻ, biết năng lực của con mình, biết con mình nổi trội năng lực gì để khuyến khích trẻ phát triển. Ngoài ra, phải dạy cho trẻ hiểu và tôn trọng giá trị sống của mình và giá trị của người khác, đừng đặt nặng vấn đề điểm số.

Giáo dục trong nhà trường cũng không nên gom học sinh có điểm số cao lại với nhau, cũng không nên “khoe” kết quả học tập của các em đến mọi người, vì điểm số không phản ánh được khả năng thực sự của trẻ, mọi học sinh đều có cơ hội học tập trong môi trường bình đẳng.

Khuyến khích tính độc lập sáng tạo cho học sinh

Mỗi học sinh có thể tự chủ trong học tập, không ỷ lại để có thể hòa nhập môi trường hội nhập đầy biến động các giá trị văn hóa và tri thức. Để trang bị tính tự lập cho học sinh, giáo dục cần nhấn mạnh “học sinh là trung tâm”, giúp học sinh trải nghiệm kiến thức từ thực tế chứ không phải là nhồi nhét kiến thức. Nên khuyến khích khả năng phản biện của học sinh, kích thích việc tìm tòi, phát huy sức sáng tạo. Nên khuyến khích học sinh tìm thêm nguồn thông tin mới, cổ vũ học sinh đứng từ các góc độ cách nhìn khác nhau để đánh giá nhận xét vấn đề.

Khuyến khích việc mặc đồng phục đến trường. Đồng phục là 1 yếu tố quan trọng giúp loại bỏ rào cản xã hội trong trường học cho trẻ em. Bên cạnh đó, mặc đồng phục cũng giúp nâng cao tính cộng đồng, đoàn kết cho học sinh.

4.jpg

Tuổi thần tiên

Trong sự vận động phát triển của xã hội loài người suy cho cùng nhân tố kinh tế là cái chủ yếu quyết định. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa cái “chủ yếu” này thành cái “duy nhất” thì sẽ dẫn tư duy và hành động đến những lầm lạc đáng tiếc. Sự tiến bộ của xã hội, sự phát triển của xã hội không thể thiếu vai trò của đạo đức. Và khi xã hội loài người có giai cấp, có áp bức, có bất công, chiến đấu cho cái thiện đẩy lùi cái ác đã trở thành ước mơ, khát vọng, đã trở thành chất men, thành động lực kích thích, cổ vũ nhân loại vượt lên, xốc lên. Đạo đức đã trở thành mục tiêu đồng thời cũng là động lực để phát triển xã hội. Vì vậy mà giáo dục đạo đức là vô cùng cần thiết trong xã hội hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục cần vận hành theo nguyên lý “Mỗi người học sẽ là một cá nhân hoàn thiện đạo đức”