Giảng viên trẻ với niềm đam mê chế tạo máy bay không người lái

Công Anh| 01/08/2016 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với niềm đam mê sáng tạo cũng như ham tìm tòi học hỏi để trau dồi kiến thức cho bản thân mình, thầy giáo Phan Kế Hiển – Giảng viên trường cao đẳng nghề KTCN Việt Nam – Hàn Quốc đã chế tạo thành công máy bay không người lái.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền biển xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An), từ nhỏ anh Phan Thế Hiển (SN 1990) đã bộc lộ niềm đam mê nghiên cứu, cũng như khám phá các mô hình máy bay, từ các mô hình đồ chơi và trong sách báo.

Sớm bộc lộ những năng khiếu nghiên cứu tìm tòi từ nhỏ, nhưng do không có điều kiện để theo đuổi niềm đam mê của bản thân, nên anh Hiển chỉ được “nghiên cứu” trên mạng hay qua lý thuyết được học.

Sau quá trình học tập và phấn đấu không ngừng của bản thân, anh Hiển được nhận vào công tác ở trường Cao đẳng nghề KTCN Việt – Hàn tại khoa Kỹ thuật điện tử. Ở môi trường công tác mới, thầy giáo Hiển có thêm điều kiện để nghiên cứu, cũng như phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.

Giảng viên trẻ với niềm đam mê chế tạo máy bay không người lái

Thầy giáo Phan Kế Hiển bên thiết bị bay

Từ những ý tưởng ban đầu, về việc sẽ biến chiếc máy bay mô hình mà mình từng tìm tòi nghiên cứu trước đây, thành một chiếc máy bay có thể hoạt động được, trở thành phương tiện hữu ích trong thực tiễn. Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, anh Hiển đã lên kế hoạch chế tạo máy bay để phun thuốc trừ sâu cho rừng thông và các diện tích nông nghiệp lớn mang lại hiệu quả.

Nói về ý tưởng của mình, thầy giáo Phan Kế Hiển chia sẻ: “Từ nhỏ mình đã có niềm đang mê nghiên cứu, sáng tạo từ các loại mô hình đồ chơi. Lớn lên, được tiếp thu thêm những kiến thức đã học nên khao khát sáng tạo ở mình lại cháy bỏng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên tất cả chỉ là những ý tưởng ở trong suy nghĩ. Chỉ đến khi đi làm và có thời gian nghiên cứu chuyên sâu hơn, mình mới bắt tay vào việc chế tạo chiếc máy bay để phục vụ trong việc phun thuốc trừ sâu cho rừng thông, cũng như việc kiểm soát khu vực cháy để cứu chữa những khu rừng lớn hiệu quả hơn”.

Từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc bắt tay vào làm là cả một quá trình mà thầy giáo Hiển gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên với niềm đam mê vốn có từ bé cộng với bản lĩnh của tuổi trẻ muốn khám phá, phát huy hết khả năng của mình, thầy giáo Hiển đã cho ra đời sản phẩm “Thiết bị bay điều kiển từ xa phun thuốc trừ sâu”.

Giảng viên trẻ với niềm đam mê chế tạo máy bay không người lái

Thiết bị bay chuẩn bị được đưa ra cất cánh

Mô hình sản phẩm được vận hành dựa trên nguyên tắc: Thân của thiết bị bay được nâng bằng 8 động cơ gắn cánh quạt được bố trí đều xung quanh thiết bị. Thiết bị hoạt động nhờ nguồn năng lượng từ 2 viên pin có dung lượng 5.000mAh. Thiết bị mang theo một bình chứa dung dịch thuốc đã được pha sẵn, có bơm cao áp và phun ra 4 đầu phun. Toàn bộ các hoạt động của thiết bị bay như bay lên, xuống, sang trái, sang phải, phun thuốc…được điều khiển bằng bộ điều khiển từ xa. 

Sau nhiều lần thử nghiệm ngoài thực tế để khắc phục những lỗi, khuyết điểm cho những lần sau, mô hình bay của thầy đã không ít lần gặp phải sự cố cũng như không phát huy hiệu quả được như mong muốn, khiến thầy giáo trẻ đôi lần phải nản lòng, muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên được sự động viên của gia đình, đồng nghiệp và của các bạn sinh viên, thầy lại có thêm động lực để khắc phục và hoàn thiện hơn mô hình bay của mình.

Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng mô hình bay cũng hoạt động được, và phát huy được tác dụng của mình như mong muốn. Tuy nhiên, nhược điểm của thiết bị bay mới chỉ mang được tối đa 5 lít thuốc, thời gian bay tối đa 10 phút.

Sau những thành công ban đầu từ “Thiết bị bay phun thuốc trừ sâu”, tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Thanh niên tỉnh Nghệ An năm 2015, mô hình bay của thầy Hiển đạt giải B và giải Nhì về Ý tưởng.

“Những kết quả đạt được chưa là gì cả, nhưng đó là động lực để mình cố gắng hoàn thiện hơn mô hình bay, cũng như phát huy tối đa tác dụng của nó. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng mình sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ sự mong mỏi, cũng như giúp đỡ từ mọi người”, thầy Hiển cho biết.

Sau cuộc thi, vẫn còn rất nhiều việc thầy giáo trẻ phải làm để hoàn thiện hơn mô hình bay của mình, nhưng quan trong hơn, thầy mong nhận được sự góp ý, giúp đỡ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cũng như của các nhà tài trợ cho dự án này. Đặc biệt là các Công ty có thể ứng dụng sản phẩm như: các cơ quan kiểm lâm, Lâm nghiệp, Nông nghiệp, các Cty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Cty về vật liệu Carbon, Cty sản xuất động cơ điện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảng viên trẻ với niềm đam mê chế tạo máy bay không người lái