Giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp: Cần mở rộng phạm vi hỗ trợ

12/06/2012 22:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 12-6, Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường năm 2012, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2012 với các DN nhỏ và vừa.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo tờ trình của Chính phủ: Sẽ giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng DN, bao gồm: DN nhỏ và vừa (không bao gồm DN nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, DN được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế TNDN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

Giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp: Cần mở rộng phạm vi hỗ trợ

Đại biểu Trương Thị Ánh

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc giảm 30% thuế TNDN trong thời điểm hiện nay cùng với việc thực hiện các nhóm giải pháp khác sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho DN thông qua việc DN có thêm nguồn vốn lưu động trong khi việc vay vốn ngân hàng đang khó khăn do các điều kiện vay và lãi suất cao
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề xuất đối tượng được giảm 30% thuế TNDN là “DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội” là chưa bảo đảm công bằng giữa các DN trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Hiện nay, ngoài các lĩnh vực nêu trên còn có nhiều DN thuộc những lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn. Ngoài ra, việc giảm 30% thuế TNDN đối với DN “xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế” chưa thật hợp lý vì so với nhiều lĩnh vực khác, các DN này chưa hẳn là đối tượng gặp nhiều khó khăn, cần phải hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay.

Nên mở rộng phạm vi hỗ trợ

Thảo luận tại hội trường về dự thảo, đại biểu Trương Thị Ánh (Tp. Hồ Chí Minh) tán thành với việc giảm thuế cho DN vì cho rằng từ sự trợ sức của Nhà nước sẽ tạo động lực giúp cho DN thúc đẩy phát triển sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Đại biểu Ánh đề nghị giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đường, thuốc chữa bệnh, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh cho cây trồng, thức ăn gia súc, gia cầm nhằm ổn định giá cả sinh hoạt, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp: Cần mở rộng phạm vi hỗ trợ

Đại biểu Mai Hữu Tín

Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho rằng, giảm 30% thuế TNDN như vậy thì phạm vi quá hẹp, chưa đảm bảo công bằng giữa các DN, giữa các ngành, nghề khác nhau. Vì thực tế, hiện tại một số DN nằm ở lĩnh vực ngành, nghề khác cũng đang gặp nhiều khó khăn cần sự trợ giúp của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ nên mở rộng phạm vi hỗ trợ đối tượng DN nhỏ và vừa từ nhiều các ngành, nghề khác nữa. Đồng thời, đại biểu Tín đề nghị giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ hàng hóa dịch vụ lưu thông trên thị trường từ nay đến 31-12-2012, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 như đã áp dụng trong năm 2011.

Giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp: Cần mở rộng phạm vi hỗ trợ

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng: Việc giảm 30% thuế TNDN hiện đang được các DN hiểu là ưu đãi này chỉ dành cho các DN đang hoạt động và có cơ hội có lãi trong năm 2012. Số DN này chiếm khoảng 35% tổng số DN đang hoạt động. Số các DN khác, chiếm 39%, mặc dù còn cơ hội để có thể trụ lại trên thị trường, có triển vọng phát triển, nhưng do khó khăn tức thời về tài chính nên không có lãi hoặc bị lỗ trong năm 2012 thì không được thụ hưởng ưu đãi này. Vì vậy, để giảm bớt số lượng DN phá sản hoặc buộc phải ngừng hoạt động có thời hạn, đại biểu Hường kiến nghị cần có các giải pháp để cơ cấu lại nợ cho các DN dạng này, tạo điều kiện cho họ được vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là với DN có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng có khó khăn tức thời về tài chính.

Bảo Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp: Cần mở rộng phạm vi hỗ trợ