Chính phủ cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả.
Sáng 12/6, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý”, nhằm đem lại góc nhìn đa chiều về thị trường tín chỉ carbon.
Khai mạc Toạ đàm, ông Hà Ánh Bình – Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu do hoạt động phát thải nhà kính của con người đã và đang đe doạ nghiêm trọng đến môi trường. Ở Việt Nam, biểu hiện rõ nhất là sự gia tăng nhiệt độ, thay đổi thời tiết như việc xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thị trường tín chỉ carbon khá mới tại Việt Nan, đang được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm vì những lợi ích mà nó mang lại, cũng như vướng mắc mà nó đặt ra. Việc phát triển dự án tín chỉ carbon đem lại nguồn thu ngân sách Nhà nước, lợi ích tài chính cho tổ chức, cá nhân phát triển. Việt Nam đã cam kết giảm phát thải carbon về 0 vào năm 2050.
GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, ĐH Kinh tế TP.HCM đề xuất, cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước. Phát triển 1 thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân. Chính phủ cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư vào thị trường này để tăng tính thanh khoản và đa dạng hóa các loại hình tín chỉ carbon có thể giao dịch. Đặc biệt, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và các dự án giảm phát thải thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế.
TS Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng trường Chính sách Công và Phát triển Nông thôn trình bày, sản xuất 1 tín chỉ carbon trồng lúa thì khó hơn sản xuất 1 tín chỉ carbon trồng rừng rất nhiều. Bởi vì thời gian trồng lúa là ngắn hạn, dài nhất trong 1 năm phải thu hoạch, còn trồng rừng thì “làm 1 lần” và “ăn hoài”. “Khi sản xuất 1 tấn lúa mới sản xuất được 1 tín chỉ carbon”, ông Hải nêu ví dụ.
Còn TS Võ Trung Tín - Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, cần có quy định về quy trình thực hiện dự án tín chỉ carbon. Về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon, Bộ TN-MT cần chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định 06/2022.
Ông Tín đề xuất 1 dự án tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cần trải qua các bước cơ bản như: Đăng ký ý tưởng dự án và phương pháp luận; Đăng ký dự án; Báo cáo thực hiện dự án; Thẩm định và cấp tín chỉ carbon.
Trả lời cho câu hỏi, các cơ sở thuộc diện có lượng phát thải lớn phải báo cáo việc kiểm kê, nếu chưa thực hiện thì bị xử lý như thế nào? Theo TS Võ Trung Tín, nếu vi phạm gây ra thiệt hại cho môi trường hoặc sức khoẻ cộng đồng, doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Câu hỏi mua tín chỉ carbon ở đâu, giá cả ra sao? TS Trần Minh Hải nói, doanh nghiệp có thể mua thông qua các sàn giao dịch tín chỉ carbon được Bộ TN-MT công nhận. Đồng thời, giá của tín chỉ phụ thuộc vào thị trường và có thể dao động theo cung cầu.
Đối với câu hỏi nếu doanh nghiệp sẵn sàng xả thải, sẵn sàng mua tín chỉ carbon thì quy định thế nào? TS Cao Tung Sơn – Trưởng phòng Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu – Sở TN-MT TP.HCM thảo luận, quy định về thị trường tín chỉ carbon, trong đó các doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải vượt quá hạn ngạch.
Tuy nhiên, việc mua bán tín chỉ carbon phải tuân thủ các quy định về minh bạch và công khai, nhằm tránh tình trạng lợi dụng mua bán tín chỉ để tiếp tục xả thải không kiểm soát.
Tín chỉ carbon là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương 1 tấn CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. Đây là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải 1 tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.
Tín chỉ carbon hay định mức carbon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra 1 lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2).