Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo tổ chức sáng nay 8/5.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đối với các huyện miền núi, đông đồng bào dân tộc, khó khăn nhất cả nước, được các cấp, ngành và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN
Những năm qua, trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo để thực hiện các chính sách đặc thù. Nghị quyết đã tạo được sự đồng thuận cao, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cùng xã hội cộng đồng dân cư tham gia với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao; tập trung ưu tiên về nguồn lực, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và toàn diện. Bước đầu đã hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa với quy mô vừa và nhỏ, người dân tiếp cận dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Các mục tiêu giảm nghèo nhanh, cải thiện đời sống của người dân, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức sống so với các vùng khác, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội… đã cơ bản đạt được.
Trong 6 năm, nguồn lực bố trí từ ngân sách Nhà nước và huy động hỗ trợ các huyện nghèo theo Chương trình 30a là 22.189 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 17.051 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ của các doanh nghiệp là 3.138 tỷ đồng. Bình quân mỗi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a được hỗ trợ từ 35-40 tỷ đồng/năm (cả vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn sự nghiệp); mỗi huyện nghèo hưởng có chế hỗ trợ theo Nghị quyết 30a được hỗ trợ từ 18-20 tỷ đồng/năm.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 35% theo chuẩn nghèo cũ (bình quân giảm 5%/năm), đạt mục tiêu theo Nghị quyết đề ra, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức dưới 40%. Trong cả giai đoạn 2011-2014, tổng số hộ nghèo tại 64 huyện nghèo đã giảm gần 38% so với số lượng hộ nghèo đầu giai đoạn (từ 377.939 hộ nghèo cuối năm 2010 giảm xuống còn 234.743 hộ nghèo cuối năm 2014). Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2014 của các huyện nghèo cơ bản đều đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% của Nghị quyết 30a. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đến nay, theo báo cáo sơ bộ đã có 8/64 huyện (chiếm tỷ lệ hơn 12%) có tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo nhưng đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo còn cao, gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu cho phát triển sản xuất và đời sống, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm… Đến nay, tuy có 8 huyện tỷ lệ hộ nghèo đã đạt mức ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của tỉnh nhưng hạ tầng cơ sở nhất là giao thông đi lại, sản xuất và đời sống vẫn còn nhiều khó khăn…
Phương hướng được Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đề ra trong giai đoạn 2016-2020 là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã bãi ngang ven biển, hải đảo. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sự liên kết vùng, khu vực, giữa các vùng nghèo với các vùng phát triển. Giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho không thay thế dần bằng các chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất, đơn giản về thủ tục đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn…
Mục tiêu chung là phấn đấu đến cuối năm 2015, cơ bản hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 30a đề ra. Đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng mức trung bình của khu vực; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015; có ít nhất 50% số huyện thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.
Tại hội nghị, các địa phương kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các chính sách hiện hành, theo hướng thu hẹp, đồng bộ với chính sách xây dựng nông thôn mới; tăng cường đội ngũ tri thức trẻ về địa phương; tiếp tục có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời gian 1 năm; động viên doanh nghiệp, xã hội tiếp tục đầu tư, hỗ trợ huyện nghèo…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương; rà soát, khảo sát từ thực tiễn để các chính sách về giảm nghèo phát huy hiệu quả với tinh thần khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo để đạt được mục tiêu 30a/2008/NQ-CP đề ra.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ luôn coi công tác giảm nghèo, đặc biệt là việc giảm nghèo nhanh, bền vững đối với các huyện nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Thống nhất với các kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề ra các giải pháp cụ thể với tinh thần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP tốt hơn nữa, tập trung giảm nghèo nhanh, bền vững cho các hộ nghèo, đây cũng là nhiệm vụ trọng điểm của công tác giảm nghèo.
Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm được giao đối với công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho các huyện nghèo nói riêng nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại.
Biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là đối với các huyện nghèo, tuy nhiên Thủ tướng cho rằng trách nhiệm đặt ra đối với các bộ, ngành, địa phương còn hết sức nặng nề, cần tiếp tục nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này để thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững đối với các huyện nghèo theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.
Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững cần nghiên cứu soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, trên cơ sở khái quát những kết quả đã đạt được, chỉ ra những khó khăn hạn chế, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện công tác này tốt hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách để phù hợp với mục tiêu Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đề ra. Đối với các chính sách trùng lắp, kém hiệu quả cần sớm loại bỏ, phát huy những chính sách có hiệu quả, bổ sung các chính sách còn thiếu. Trong đó, cần tập trung vào các chính sách về giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng đi liền với việc sắp xếp đổi mới lại các nông lâm trường; hỗ trợ các huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… phát triển chăn nuôi (vốn, giống thức ăn); giảm dần các chính sách cho không, chỉ hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt; khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào vùng khó khăn, tiêu thụ sản phẩm cho người dân…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục tập trung cân đối nguồn lực để triển khai chương trình về giảm nghèo bền vững. Các địa phương quan tâm tập trung ngân sách trong thẩm quyền, lồng ghép với các chương trình, mục tiêu khác trên địa bàn; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo. Việc tập trung huy động nguồn lực cần gắn với sử dụng có hiệu quả. Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo; tăng cường thanh, kiểm tra. Lãnh đạo các địa phương từ cấp tỉnh, xã, huyện cần tiếp tục quan tâm đối với công tác này. Tại những nơi được quan tâm, chỉ đạo sát sao thì nơi đó thực hiện tốt. Điều này cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác giảm nghèo là hết sức quan trọng – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo, trong đó có việc giảm nghèo nhanh, bền vững tại các huyện nghèo nhằm biểu dương những điển hình làm tốt, các kinh nghiệm hay để từ đó nhân lên những mô hình có cách làm hay, sáng tạo; phê phán những nơi làm chưa tốt, còn thiếu trách nhiệm trong thực hiện…