Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2018, việc triển khai tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng.
Đã có 25.000 công trình hạ tầng được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nhờ đó, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm và 80% thôn có điện, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo giảm trung bình 3,5%/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2018 được đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đọan này, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số nghèo vẫn thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định. Nhiều chỉ tiêu của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chưa hoàn thành, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Các mục tiêu giảm huyện nghèo, xã và thôn đặc biệt khó khăn không đạt.
Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi được đánh giá cao nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục. Hệ thống trường học, trạm xá quá thiếu thốn. Các điểm trường tiểu học quá nhếch nhác cần phải đầu tư đồng bộ mới đạt chuẩn.
Chất lượng cuộc sống và hưởng thụ văn hóa của đồng bào thiểu số còn thấp. Hệ số phát triển con người cũng thấp, thu nhập còn chênh lệch lớn. Điều này có trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ LĐ-TB&XH.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, chính sách về xóa đói giảm nghèo ban hành còn chậm so với yêu cầu của đời sống. Việc tạo động lực cho phát triển của khu vực này là giáo dục, đào tạo nghề vẫn còn thấp so với vùng khác. Đây là những vấn đề đặt ra để công tác xoá đói giảm nghèo cần giải quyết trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc quan tâm đến đời sống vật chất, cần tạo điều kiện và bảo tồn hơn nữa đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần có chính sách hỗ trợ đối với đồng bào 10 dân tộc ít người nhất để giảm tỷ lệ nghèo cao nhất, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. UBTVQH sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề giảm nghèo bền vững, đề nghị Chính phủ cần bố trí đủ nguồn lực và kịp thời để thực hiện có hiệu quả, vùng nào khó khăn nhiều hơn thì tập trung đầu tư làm trước để đồng bào sớm thoát nghèo.
Đặc biệt, cần có cơ chế và chính sách để đồng bào yên tâm giữ được rừng, tập trung xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, chăm lo ngay các vấn đề cấp bách nhất của các dân tộc thiểu số rất ít người như dân tộc Chứt, La Hủ, Cống, Co, Khơ Mú…
UBTVQH nhất trí tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan đối với chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các chương trình kế hoạch, kết luận của cấp có thẩm quyền về nội dung này. Đặc biệt, xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách dân tộc để trục lợi để báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019.