Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội là bước đi thiết thực, kịp thời, bền bỉ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, từ ngày 5/6/2015, lãi suất cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay vốn quỹ quốc gia về việc làm giảm từ 7,2%/năm xuống còn 6,6%/năm.
Lãi suất cho vay đối với chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn giảm từ 9,6%/năm xuống còn 9,0%/năm. Lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo cũng giảm từ 0,72%/tháng xuống còn 0,66%/tháng. Lãi suất cho vay hộ nghèo tại huyện nghèo 30a giảm từ 0,3%/tháng xuống còn 0,275%/tháng (3,3%/năm). Lãi suất cho vay người lao động tại huyện nghèo đi xuất khẩu lao động (theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đối với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số giảm từ 0,3%/tháng xuống còn 0,275%/tháng (3,3%/năm); đối với khách hàng còn lại giảm từ 0,6%/tháng xuống còn 0,55%/tháng. Lãi suất cho vay thương nhân vùng khó khăn giảm từ 0,8%/tháng xuống còn 0,75%/tháng (9,0%/năm).
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hạ lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số chương trình tín dụng chính sách khác. Nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, từ ngày 1/5/2014 hộ nghèo, hộ cận nghèo trong cả nước cũng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng mức vay từ 30 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ. Đây được xem là một đòn bẩy phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo. Quyết định này mang tính nhân văn rất cao, nhận được sự đồng tình của người nghèo trong cả nước.
Quyết định tiếp tục khẳng định cách làm đặc sắc của Việt Nam vừa mang tính nhân văn, vừa hướng tới hiệu quả kinh tế bền vững đang đón nhận những tín hiệu khả quan từ những những con người, hoàn cảnh vươn lên thoát nghèo.
Thông qua ngân hàng chính sách xã hội, tiền vốn đến hộ nghèo, đối tượng chính sách bằng cách làm hiệu quả và cam kết, niềm tin thoát cảnh nghèo khó vươn lên trong cuộc sống. Đây không là chuyện vay - trả mà là tạo niềm tin, công việc, tháo gỡ vướng mắc trong cuộc sống cho mỗi hộ, mỗi người, mỗi hoàn cảnh khó khăn. Những con số đáng ghi nhận của Ngân hàng Chính sách xã hội như tập trung huy động nguồn lực tài chính gần 140 nghìn tỷ đồng, thành lập 11.000 điểm giao dịch xã; trên 25,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay trên 285 nghìn tỷ đồng.
Vốn tín dụng đã góp phần giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động; giúp trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 6 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, gần 700 nhà chòi tránh lũ cho hộ nghèo ở 7 tỉnh miền Trung, trên 102 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc.
Kết quả trên đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tại Việt Nam. Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu về hỗ trợ tín dụng đối với người nghèo tại Việt Nam, xứng đáng với tên gọi “Ngân hàng của người nghèo”.