Bô Tài chính đề xuất tới đây nếu được thông qua, sẽ giảm bậc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ 7 xuống còn 5 mức và tăng khoảng cách thu nhập chịu thuế.
Như vậy, thu nhập chịu thuế từ trên 5 đến 10 triệu đồng phải chịu mức thuế 5%; từ 10 - 30 triệu đồng là 10%; từ 30 - 50 triệu đồng chịu thuế 20%, từ 50 - 80 triệu đồng chịu thuế 28% và trên 80 triệu đồng chịu thuế 35%.
Các quan chức tài chính cho rằng việc giảm bậc thuế là giảm gánh nặng cho các đối tượng phải nộp thuế TNCN. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tài chính lại cho rằng, nếu chỉ giảm bậc thuế trong khi vẫn giữ nguyên mức thuế suất, thì nguồn thu của ngân sách nhà nước sẽ không giảm nhiều. Đối với những người có thu nhập ở bậc 1, bậc 2 hiện chiếm tới trên 90% số người đang nộp thuế TNCN thì đóng góp hầu như thay đổi không đáng kể.
Nếu được thông qua, Bộ Tài chính sẽ giảm bậc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ 7 xuống còn 5 mức
Các chuyên gia còn đưa ra ví dụ cụ thể để chứng minh luận điểm này. Một người kỹ sư có thu nhập sau khi miễn trừ còn khoản phải tính thuế là 5 triệu đồng/tháng. Với biểu thuế hiện hành, thuế suất 5% anh kỹ sư này phải nộp 250.000 đồng. Nay với biểu thuế mới vẫn phải nộp 5% là 250.000 đồng. Với cách tính mới, nếu thu nhập tính thuế là 8 triệu đồng, thì phải nộp 400.000 đồng, biểu thuế cũ phải nộp 55.000 đồng, nghĩa là có giảm, đáng ghi nhận với những người có thu nhập mức này. Một người thu nhập tính thuế 100 triệu đồng/ tháng đang nộp 25,15 triệu đồng, nhưng biểu mới đã giảm xuống còn 21,9 triệu đồng.
Nhưng số đối tượng này là quá ít. Thống kê của ngành thuế cho biết, các cá nhân lương cao như thế này chỉ có 1% tổng số người nộp thuế. Số người thu nhập cao hơn lại chỉ có gần 0,2%. Nhưng với hơn 90% người nộp thuế TNCN ở bậc 1 và bậc 2 các chuyên gia đề nghị nên để ở mức 1 - 2% và đáng lưu ý là nguồn thu không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu.
Xin nhắc lại ý kiến của nhiều ĐBQH cũng như các chuyên gia rằng, thuế suất như hiện nay vẫn quá sức chịu đựng của số đông người có thu nhập thấp.
So với trước, các khoản miễn trừ để tính thuế tuy không nhiều nhưng cũng đã góp phần cải thiện đời sống người lao động. Các chuyên gia nhìn nhận mức thuế rải đều từ 5 - 35% vẫn quá cao so với thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm xuống còn khoảng 20%.
Ngoài ra, chính sách thuế TNCN hiện còn nhiều bất cập. Mức khấu trừ chi phí hằng tháng cho bản thân người lao động là 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc. Các chi phí khác như thuốc men nằm viện, tiền học phí cho con cũng không được khấu trừ.
Hiện nay, bình quân người dân phải chi tiêu đến 70% thu nhập cho các khoản thiết yếu để phục vụ đời sống hằng ngày trong đó chi phí học hành khá cao. Bộ Tài chính nên xác định lại những chi phí cần được khấu trừ trước khi tính thuế TNCN. Nên quy định có thể được khấu trừ lên ít nhất là 5 đến 6 triệu đồng cho chi phí học hành, khám chữa bệnh nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp lý.