Giám đốc WB: Việt Nam cần nâng tầm doanh nghiệp nội địa để chinh phục thị trường quốc tế.

Ngọc Mai| 26/06/2020 08:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Giám đốc WB Ousmane Dione đưa ra khuyến nghị, Việt Nam tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng tầm doanh nghiệp nội địa để các doanh nghiệp này có thể chinh phục các thị trường quốc tế.

Giám đốc WB: Việt Nam cần nâng tầm doanh nghiệp nội địa để chinh phục thị trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Ngài Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Chiều ngày 25/6 tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Ngài Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Cùng dự buổi tiếp có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Vui mừng gặp lại Ngài Ousmane Dione, người bạn thân thiết của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác của Ngân hàng Thế giới và cá nhân Ngài Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione đối với sự phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là giúp Việt Nam phát triển thể chế và xây dựng hạ tầng cơ sở, đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và Quốc hội Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều dự án giữa Ngân hàng Thế giới và Quốc hội Việt Nam đã được thực hiện. Ngân hàng Thế giới đã tham vấn một số luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho một số cơ quan của Quốc hội; đồng thời làm cầu nối cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội với Mạng lưới Nghị viện của thành viên Ngân hàng thế giới tại các diễn đàn toàn cầu.

Quốc hội Việt Nam cũng vừa thông qua Nghị quyết về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 để tạo điều kiện cho miền núi tiến kịp miền xuôi, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cùng với đó là việc hoàn thiện các chính sách pháp luật để đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Đánh giáo cao những khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới về vấn đề sông Mekong, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam nằm ở hạ lưu và tất cả những biến động trên sông sẽ tác động tới 21 triệu người đang sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các đập thủy điện trên thượng nguồn đã có những tác động mạnh mẽ đời sống người dân. Đặc  biệt, năm nay là năm xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt nhất tại các tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, Việt Nam đã có chính sách chọn lọc trong thu hút các doanh nghiệp FDI, để chọn những dự án đầu tư công nghệ cao, bảo vệ môi trường, góp phần chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế số. Việt Nam cũng sẽ cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn tại các doanh nghiệp trong những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, môi trường tốt cho làn sóng khởi nghiệp của các doanh nghiệp.

Việt Nam đang trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID – 19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định những khuyến nghị về chính sách, những nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới sẽ rất có giá trị để Chính phủ Việt Nam có thể lấy đó làm cơ sở đưa ra những quyết sách phù hợp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những tài liệu, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới có đóng góp rất thiết thực cho quá trình hình thành chính sách ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, trước bối cảnh nguy cơ của làn sóng thứ 2 của Đại dịch COVID – 19 vẫn có thể tái bùng phát, Chủ tịch Quốc hội mong rằng Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp hỗ trợ tư vấn và kĩ thuật để Việt Nam tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm ứng phó với COVID - 19, trong đó vừa bảo đảm sức khỏe của cộng đồng, người dân, vừa ổn định và phát triển kinh tế.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian tiếp đón, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá cao vai trò quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong sự phát triển của đất nước, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, như việc thông qua luật Đầu tư đối tác công tư PPP, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Giám đốc Ousmane Dione cho biết, thời gian qua, ông đã có hơn 140 chuyến đi tới 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam. “Dù đi đến đâu, tôi và các đồng nghiệp cũng luôn nhận được sự chào đón nồng nhiệt như bạn bè, anh em, thành viên trong Giám đốc WB nhấn mạnh.

Bày tỏ ấn tượng về mô hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Giám đốc Ousmane Dione cũng cho rằng, các nước có thể tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới.

Đề cập đến hơn 200 báo cáo đã được WB thực hiện, phân tích những lợi ích, cơ hội và xu hướng phát triển của Việt Nam, Giám đốc Ousmane Dione cũng đã nêu một số khuyến nghị. Theo đó, để tranh thủ được những thế mạnh của một nước có thu nhập trung bình, Việt Nam cần tăng cường hiệu quả của bộ máy nhà nước, hiện đại hóa thể chế và tăng cường hiệu quả của bộ máy thực thi trên cơ sở đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quan tâm hơn nữa tới việc bảo đảm hòa nhập xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, thúc đẩy sự phát triển của khu vực và cộng đồng dân tộc thiểu số.

Nhắc tới “chính sách ngoại giao màu xanh nước biển”, cụ thể là các vấn đề liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long và sông Mê Kông, Giám đốc Ousmane Dione cho rằng, với tinh thần cởi mở, Việt Nam có thể đóng vai trò tập hợp các quốc gia trong khu vực để bàn thảo và giải quyết các vấn đề chung trên sông Mê Kông.

Nhận định Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất tốt, Giám đốc Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa với việc chuẩn bị cho các doanh nghiệp Việt Nam chinh phục được các thị trường mới; tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng tầm doanh nghiệp nội địa để các doanh nghiệp này có thể chinh phục được các thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc WB: Việt Nam cần nâng tầm doanh nghiệp nội địa để chinh phục thị trường quốc tế.