Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải thảo luận cho ý kiến tại phiên tòa sáng nay (8/5).
Công văn không thể phủ định quyết định
Hội đồng Thẩm phán đề nghị đại diện VKSNDTC cho biết căn cứ nào để Viện trưởng VKSNDTC ra Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 trong khi Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực?
Đại diện VKSNDTC trả lời: Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn 688/VPCTN-PL-m thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng VKSNDTC xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải. Do đó, VKSNDTC kháng nghị là đúng quy định của pháp luật.
Thành viên Hội đồng Thẩm phán chất vấn, theo đại diện VKSNDTC thì Công văn 4688 của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản tố tụng hay văn bản hành chính? Văn bản đó có thay thế được Quyết định 639 của Chủ tịch nước hay không?
Đại diện VKSNDTC cho rằng, Công văn 4688 là văn bản hành chính, không thay thế được Quyết định 639 của Chủ tịch nước, nhưng Chủ tịch nước đã có công văn tạm hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Hơn nữa, Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình cũng căn cứ trên cơ sở 2 quyết định không kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC.
Câu hỏi đặt ra là Quyết định 639 của Chủ tịch nước đang có hiệu lực, căn cứ nào để VKSNDTC tạm đình chỉ thi hành Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT đối với Hồ Duy Hải?
"Khi ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thì người ra kháng nghị có quyền tạm đình chỉ thi hành bản án" – đại diện VKSNDTC nói.
Các thành viên Hội đồng Thẩm phán tiếp tục giải thích và đặt câu hỏi với VKSNDTC: Văn phòng Chủ tịch nước thông báo ý kiến của Chủ tịch nước. Thông báo này không thay thế được quyết định của Chủ tịch nước đang có hiệu lực. VKSNDTC dựa trên quy định pháp luật nào để kháng nghị, phủ định quyết định của Chủ tịch nước và VKSNDTC có quyền phủ định quyết định của Chủ tịch nước không?
Đại diện VKSNDTC tiếp tục trả lời không đúng trọng tâm nội dung được hỏi, mà cho rằng, việc này xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước!?
Đại diện VKSNDTC trả lời các thành viên Hội đồng Thẩm phán tại phiên tòa sáng nay
Các thành viên Hội đồng Thẩm phán cho rằng, quyết định hành chính không phủ định được quyết định của Chủ tịch nước. Một quyết định tố tụng chỉ được thay thế, phủ định bằng một quyết định tố tụng khác. Hội đồng Thẩm phán cho biết sẽ xem xét, cân nhắc về tính hợp pháp của Quyết định kháng nghị.
Mặc dù các thành viên Hội đồng Thẩm phán đã rất cố gắng giải thích rõ câu hỏi, phân tích cặn kẽ từng khía cạnh, mất khá nhiều thời gian nhưng đại diện VKCNDTC vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời đúng như ý câu hỏi, buộc Chủ tọa phiên toà phải kết thúc nội dung này và cho biết, sẽ đưa vào nội dung để biểu quyết.
Chủ toạ phiên toà giải thích thêm: Thông báo số 688 của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản hành chính. Theo quy định của pháp luật tố tụng, một văn bản tố tụng chỉ được thay thế, phủ định bằng một văn bản tố tụng khác của cấp có thẩm quyền. Vì vậy, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước không thể phủ định được quyết định của Chủ tịch nước. Ví dụ: Quyết định bắt thì cần phải có quyết định tha, chứ không phải công văn tha. Quyết định khởi tố vụ án phải có quyết định đình chỉ, chứ không phải công văn đình chỉ vụ án.
Chứng cứ luật sư cung cấp tại phiên tòa không mới
Đầu giờ buổi sáng nay (8/5), Luật sư Trần Hồng Phong được tham dự phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải theo công văn đề nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để cung cấp chứng cứ mới của vụ án.
Chủ toạ phiên toà cho biết, do nhận được Công văn của Liên đoàn Luật sự Việt Nam đề nghị Hội đồng Thẩm phán tạo điều kiện cho luật sư Trần Hồng Phong tham gia tiếp tục tại phiên tòa nên đã mời luật sư Phong đến.
Tại phiên xét xử, luật sư Phong đã cung cấp 2 bằng chứng được cho là mới, nhưng Hội đồng Thẩm phán cho rằng, chứng cứ không có gì mới so với những tình tiết đã được Hội đồng Thẩm phán xem xét. Trước đó, ngày đầu tiên của phiên giám đốc thẩm 6/5, Luật sư Trần Hồng Phong cũng đã được tham dự để xuất trình những chứng cứ, nhưng tài liệu cung cấp không có gì mới so với nội dung vụ án mà Hội đồng Thẩm phán đang xem xét.
Luật sư Trần Hồng Phong tại phiên tòa sáng 8/5
Theo đó, luật sư Phong cung cấp 01 bản khai của bà Nguyễn Thị Rưởi (dì ruột Hồ Duy Hải) cho rằng, Hồ Duy Hải không giết người và nêu lý do vì sao không kêu oan và ảnh chụp Bưu điện Cầu Voi; 01 bản khai cho rằng hôm xảy ra vụ án, bà Rưởi sử dụng chiếc xe Dream (phương tiện Hồ Duy Hải di chuyển tới Bưu điện Cầu Voi) để đi chợ, không cho Hồ Duy Hải mượn như cáo trạng và kết luận của cơ quan điều tra.
Hai bản khai này đã được Chủ tọa phiên toà cho đọc và trình chiếu trên màn hình. Kết quả trình chiếu cho thấy các bằng chứng cung cấp là không đầy đủ, chính xác, không có giá trị pháp lý chứng minh những tình tiết cần làm rõ trong vụ án.
Đối với nội dung thứ 2, Chủ tọa phiên toà yêu cầu Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An công bố lời khai, bản tự khai của Hồ Duy Hải, của chồng bà Rưởi.
Nội dung lời khai của chồng bà Rưởi thể hiện do chiếc xe Dream của gia đình cũ, nên thường bỏ ở sân, kèm chìa khoá, ai lấy đi cũng được. Ngày hôm xảy ra vụ án, chồng bà Rưởi chỉ ở nhà làm một số việc và nhậu, không nhớ có gặp Hải hay không.
Đối với lời khai của bà Rưởi, đại diện Toà án cấp sơ thẩm Long An cho biết, hôm xét xử Hồ Duy Hải, HĐXX có hỏi bà Rưởi về việc có cho Hồ Duy Hải mượn xe hay không và được bà Rưởi xác nhận là có. Bà Rưởi còn cho biết chiếc xe đang bị Công an giữ. Do chiếc xe đã cũ nếu được Tòa án trả lại thì bà xin nhận,
Lời khai của Hồ Duy Hải cũng xác nhận đã qua nhà bà Rưởi lấy chiếc xe Dream nói trên, sau đó tới gặp Võ Lộc Đang để trả tiền, rồi chạy tới Bưu điện Cầu Voi.
Những bằng chứng trên đã phản bác lại toàn bộ nội dung tờ khai của bà Rưởi mà Luật sư Lê Hồng Phong cho là tài liệu chứng cứ mới và cung cấp cho Hội đồng Thẩm phán.
Sau khi nghe đại diện VKSNDTC trình bày quan điểm về bản khai vì sao Hồ Duy Hải không kêu oan. Chủ toạ phiên toà yêu cầu đại diện VKSNDTC đọc kỹ lại nội dung tờ khai và cho biết, chứng cứ này có phải là chứng cứ mới và có giá trị trong việc làm sáng tỏ vụ án hay không?
Theo đại diện VKSNDTC, việc viết đơn kháng cáo xin giảm nhẹ án hay đơn kêu oan có ảnh hưởng đến nội dung xét xử phúc thẩm, do đó có căn cứ để xem xét.
Chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm cho rằng, chứng cứ mà luật sư cung cấp, Hội đồng cũng hy vọng là chứng cứ mới, nhưng qua xem xét thấy rằng đã có trong nội dung kháng nghị và đã được Hội đồng Thẩm phán xem xét những ngày qua.