Giám đốc AT&S I.Schroeder của Áo cho biết, công ty đang dự định đầu tư hai nhà máy sản xuất trong giai đoạn đầu với số vốn 1,5 tỷ euro. Nếu chọn Việt Nam làm địa điểm xây dựng nhà máy thì công ty mong Chính phủ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để AT&S triển khai thành công dự án.
Chiều 23/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ CH Áo Thomas Schuller-Gotzburg và ông Ingolf Schroeder, Giám đốc điều hành Công ty AT&S.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh hoan nghênh ông Ingolf Schroeder và các thành viên của Công ty AT&S sang nghiên cứu và đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, GDP năm 2020 của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, đây là một thành công lớn.
Đại sứ CH Áo đánh giá cao sự lớn mạnh về kinh tế-xã hội của Việt Nam những năm qua; bày tỏ tin tưởng dự án mà AT&S triển khai sẽ phù hợp phát triển của Việt Nam về thu hút đầu tư công nghệ cao. Đây là dự án đầu tư quy mô lớn khoảng 1,5 tỷ euro, thu hút khoảng 6.000 lao động. Áo rất quan tâm đến Việt Nam, hiện là điểm đến hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư FDI. Đại sứ cho biết, đoàn Công ty AT&S đã đi khảo sát một số địa phương ở Việt Nam; cảm ơn Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ Công ty AT&S để thúc đẩy dự án tại Việt Nam.
Tham tán Thương mại Đại sứ quán CH Áo cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam hợp tác để chuẩn bị cho chuyến đi này, nhất là nhận được hỗ trợ nhiệt tình từ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh. Đoàn đã lên kế hoạch về các địa điểm đầu tư ở một số nước và Việt Nam là một trong số các ưu tiên hàng đầu.
Giám đốc AT&S I.Schroeder bày tỏ cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan tạo điều kiện cho Công ty có chuyến đi hết sức ý nghĩa để công ty đưa ra quyết định đầu tư. Trong thời gian tới, công ty dự định nâng tổng doanh số lên 3 tỷ euro. Sản phẩm chính của công ty là chân đế vi mạch tích hợp, ứng dụng trong nhiều ngành sản xuất công nghiệp, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ cao. 5 năm qua, công ty tăng trưởng 7%, thậm chí năm qua còn tăng trưởng 20%. Công ty tự tin có thể xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam trong thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn trong lĩnh vực này. Do đó, Công ty đang dự định đầu tư hai nhà máy sản xuất trong giai đoạn đầu với số vốn 1,5 tỷ euro.
Qua 4 tháng khảo sát, công ty đã chọn Đông Nam Á là địa điểm ưu tiên để dự định đặt nhà máy vì lợi thế gần thị trường cung cấp nguyên liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Công ty đang phải rất khẩn trương chạy đua với thời gian đến giữa tháng 4 này phải đưa ra quyết định chọn địa điểm nhà máy, và cuối năm 2021 phải động thổ nhà máy và xây dựng trong một năm. Do đó nếu chọn Việt Nam làm địa điểm xây dựng nhà máy thì công ty mong Chính phủ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để AT&S triển khai thành công dự án.
Ông đề xuất, vì để triển khai dự án cần ít nhất 1.500 kỹ sư, là một áp lực rất lớn về nhân lực, do đó rất cần Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nguồn nhân lực lớn này thì nhà máy mới có thể hoạt động. Đại diện phụ trách dự án của Công ty AT&S cho biết thêm, các địa điểm mà Việt Nam giới thiệu rất thích hợp cho kế hoạch đầu tư của Công ty. AT&S sẽ sớm đưa ra quyết định đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về cơ sở hạ tầng, nhân sự, chuỗi cung ứng... Công ty cũng mong Chính phủ thông báo sớm về các ưu đãi có thể dành cho AT&S. Về cơ sở hạ tầng, AT&S cho rằng Thái Nguyên có thể đáp ứng được điều kiện của Công ty.
Hoan nghênh các ý kiến của AT&S, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các dự án đầu tư FDI đều cơ bản thành công, nhất là các dự án công nghệ cao như Intel, Samsung,...
Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn thành công tại Việt Nam. Việt Nam có chính sách ưu đãi đầu tư hết sức thuận lợi, nhất là ưu đãi cho các dự án công nghệ cao.
Thủ tướng cho rằng điều kiện cơ sở hạ tầng ở Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh đều rất thuận lợi. Chính phủ đầu tư xây dựng các hệ thống đường cao tốc ở hai địa phương này cũng nhằm mục đích thu hút đầu tư nước ngoài. Các điều kiện khác như điện, nước, khí gas cũng sẵn sàng đáp ứng.
Ở Thái Nguyên cũng có trường đại học, cho nên có thể đáp ứng được các điều kiện của nhà đầu tư. Hiện Việt Nam là cửa ngõ giao lưu hàng không quốc tế. Nếu đầu tư ở Thái Nguyên thì rất thuận lợi cả về đường bộ và hàng không. Việt Nam sẽ áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt cho các dự án đầu tư công nghệ cao. Thủ tướng tin rằng Việt Nam là lựa chọn tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài vì con người Việt Nam thông minh, cần cù. Đây cũng là thời cơ đối với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Thủ tướng mong muốn AT&S sớm đưa ra quyết định đầu tư.
Nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Áo năm 2018, được các nhà lãnh đạo Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Áo đón tiếp trọng thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là một trong tiền đề thuận lợi để Áo gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng mong muốn quan hệ hai bên ngày càng được tăng cường và phát triển tốt đẹp; tin rằng hai bên có rất nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác thành công.