Theo kịch bản điều hành của Chính phủ trong giai đoạn 2012-2015 chỉ tiêu tăng trưởng sẽ được đề xuất xuống còn 6-6,5% để ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.
Thông tin này được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đưa ra tại hội thảo "Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam" do Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia tổ chức ngày 18-10 tại Hà Nội.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ tới Việt Nam, đặc biệt từ 2008 đến nay. Mặc dù đã triển khai nhiều chính sách ứng phó nhưng kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn: lạm phát cao, nhập siêu cao, tỷ giá chưa ổn định, dự trữ ngoại hối còn mỏng, lãi suất vay vốn còn cao gây khó khăn cho doanh nghiệp...
Ảnh minh họa
Vấn đề hiện tại là Việt Nam cần giải bài toán ổn định kinh tế vĩ mô trong vài năm tới, tạo nền tảng cho các năm tiếp theo có mức tăng trưởng cao hơn. Trong bối cảnh khó khăn trên, Chính phủ đã bàn thảo và trình hội nghị Trung ương và Quốc hội các chỉ tiêu và giải pháp mới. Thay vì mục tiêu tăng trưởng cao, Chính phủ sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP do Đại hội Đảng XI đưa ra là tăng trưởng bình quân 7-7,5%/năm, nhưng tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội kế hoạch năm 2012 chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%.
Bên cạnh việc hạ chỉ tiêu tăng trưởng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh còn nhấn mạnh đến việc tái cơ cấu nền kinh tế trong những năm tới. Theo đó, việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, với 3 trọng tâm là tái đầu tư khu vực công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu thị trường tài chính.
Phát biểu tại hội thảo, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - cũng cho rằng, Nghị quyết 11 giúp Việt Nam rất nhiều trong việc phục hồi kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Việt Nam có những vấn đề cơ cấu nghiêm trọng hơn và đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế, hạn chế năng lực cạnh tranh về lâu dài.
Một quan điểm cũng được hội thảo quan tâm là phát biểu của ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam. Chuyên gia này đã trình bày một số khuyến nghị chính sách cho Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu đang biến đổi khó lường. Theo đó, sự bất ổn định kinh tế vĩ mô hiện tại ở Việt Nam biến động cùng chiều với các sự kiện toàn cầu gần đây như khủng hoảng ở châu Âu và Mỹ.
Ông Mishra cho rằng, nguyên nhân bản chất dẫn đến sự bất ổn kinh tế tại Việt Nam là do cấu trúc của nền kinh tế, dẫn tới đầu tư kém hiệu quả, biểu hiện qua chỉ số hiệu quả đầu tư (ICOR) tăng liên tục trong những năm qua, từ mức 4,2 năm 2005 tăng đạt đỉnh 7,2 năm 2009 và bắt đầu giảm xuống 5,7 năm 2010. Cùng với đó là nhiều công ty nhà nước có hệ số vay nợ cao, hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương cũng như thiếu những thông tin về số liệu kinh tế và hệ thống thống kê cơ bản.
Ông Deepak Mishra đã đưa ra 4 khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ Việt Nam. Đầu tiên, Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 vì những thành quả ổn định vĩ mô hiện tại còn rất mong manh. Tiếp đó, Việt Nam nên đẩy mạnh chính sách tài khóa và quản lý nợ công, đặc biệt là minh bạch hóa ngân sách nhà nước và giảm dần tỷ lệ nợ/GDP. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên cải cách các công ty Nhà nước và ngành tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường năng lực và lành mạnh hóa khu vực tài chính. Đồng thời, Việt Nam nên xây dựng lòng tin vào quản lý vĩ mô bằng cách tăng cường thông tin và truyền thông về số liệu kinh tế và tài chính, bên cạnh việc Chính phủ nên xem xét sự tham gia cố vấn của các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước.
Đức Duy