Giảm biên chế, tăng thu nhập

Trung Nguyễn| 13/11/2018 06:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng ta về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, toát lên vấn đề rất quan trọng và xuyên suốt là: Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và cải cách chế độ tiền lương. Với bộ máy 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập và 2,5 triệu biên chế như hiện nay, làm thế nào để tinh gọn?

 Về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định, đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự ngiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm theo quy định hiện hành để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.

Tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ này. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số viên chức và số người lao động vượt quá số biên chế được giao (trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính). Quy định và thực hiện nghiêm về số lượng lãnh đạo cấp phó.

Đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả cán bộ quản lý). Có chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện đào tạo lại, hỗ trợ thích hợp đối với viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập, giải thể hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Theo các chuyên gia, để tinh gọn bộ máy, không gì khác là phải tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cần phải cho phép các đơn vị đó tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn lại các đơn vị phải vận động trên cơ sở có thu, có chi.

Hiện nay, lực lượng cán bộ trong các đơn vị sự nghiệp công lập đông nhưng không mạnh. Số lượng đội ngũ cán bộ trong thời gian qua cũng tuyển dụng nhiều, không những không tinh giản biên chế mà còn có xu hướng phình to mà “chất” chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy phải có “cuộc cách mạng” đổi mới cả về lượng và chất, giảm lượng cán bộ công chức, viên chức, tinh gọn nhưng phải tăng chất lượng.

Việc triển khai thực hiện tất nhiên sẽ vấp phải khó khăn vì đụng chạm lợi ích, đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của con người… Hiện nay, muốn sắp xếp lại các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan sự nghiệp công lập nói riêng được gọn nhẹ và có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thì phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó, phải xác định chặt chẽ các vị trí làm việc. Nếu tiết kiệm được lao động, hiệu quả công việc tăng lên thì mới có thể tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho cán bộ viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập.

                                             

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm biên chế, tăng thu nhập