“Làng áo dài”: Nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa quê hương

Hà Ngọc| 28/01/2020 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) từ ngàn đời nay đã nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống. Nhưng, ít ai biết rằng, những người lưu giữ nét đẹp văn hóa của làng phần lớn lại là nam giới.

Khởi nguồn từ hoàng thất

Có dịp đến với Trạch Xá, ngay từ đầu làng là đền thờ Tổ nghề may - bà Nguyễn Thị Sen, Tứ phi của Vua Đinh Tiên Hoàng. Tương truyền, năm 979, khi Vua Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích sát hại, bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã cùng các con di dời từ hoàng cung về đây, sau đó truyền dạy nghề may áo dài và áo truyền thống cung đình cho dân làng. Với sự thông minh, khéo léo và sáng tạo của mình, bà đã truyền dạy từng đường kim, mũi chỉ để phát triển nghề may áo dài cho cả làng Trạch Xá. Sau khi bà qua đời, nghĩ tới công lao to lớn của bà, Vua Lý Công Uẩn đã truyền chỉ cho dân làng Trạch Xá lập đền thờ bà tại đây.

“Làng áo dài”: Nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa quê hương

Các nhà may có nguồn gốc từ làng nghề Trạch Xá đều mang chữ “Trạch” trên biển hiệu.

Trải qua hàng nghìn năm, nghề may áo dài đã gắn bó, trở thành nghề truyền thống của làng Trạch Xá. Hiện nay, làng có gần 1000 thợ may lành nghề làm việc tại các cửa hiệu áo dài nổi tiếng khắp mọi con phố lớn ở Hà Nội, cùng với hàng nghìn lao động khác trong làng. Ở làng, những đứa trẻ từ 8 tuổi đã được tiếp xúc với những việc nhỏ như đơm khuy, thêu áo. Những đứa trẻ khéo léo, sáng dạ thì 15 tuổi đã có thể may được chiếc áo dài đẹp hoàn chỉnh. Được biết, những nghệ nhân trong làng thạo nghề đến mức không cần đo, chỉ cần nhìn người và ước lượng là đã có thể may được những bộ áo dài vừa vặn và đẹp mắt. Dân làng Trạch Xá, ai ai cũng gắn bó với nghề may áo dài.

Một quy tắc của làng Trạch Xá được truyền lại, ấy là nghề may vá chỉ truyền cho con trai. Lý giải cho việc này, một nghệ nhân lâu năm của làng chia sẻ: Vốn xưa kia, làng không thể kiếm sống bằng nghề may. Những nghệ nhân may áo dài của làng thường nay đây mai đó, phiêu dạt mưu sinh với tay nải gồm cây kéo, kim chỉ, tấc vải, cái vạch. Đàn bà con gái, nào có mấy ai chịu được sự kham khổ này? Bởi vậy, nghề may truyền thống của làng xưa kia chỉ có thể truyền cho con trai.

Cũng có một cách lý giải khác cho việc người làng Trạch Xá chỉ truyền dạy nghề may cho con trai, ấy là các cụ muốn nghề này chỉ lưu truyền trong làng, không lan ra bên ngoài. Một thời gian dài làng Trạch Xá được biết đến với danh hiệu “làng đàn ông may áo dài”, tuy nhiên đến hiện nay, quan niệm giữ nghề phần nào đã thay đổi, việc truyền nghề đã không còn phân biệt nam và nữ giới.

Về sau này, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nghề may áo dài chân truyền của làng mới thực sự khởi sắc.

Nghề may ở Trạch Xá muốn học cũng rất gian nan, đòi hỏi lòng kiên trì, tận tâm của cả người học lẫn người dạy. Áo dài ở đây chủ yếu vẫn được làm thủ công bằng tay, trong mọi công đoạn cắt vải, kẻ vẽ, khâu tà, ráp áo. Để có thể thạo nghề, mỗi người thường phải mất cỡ 3 - 4 năm trời ròng rã, làm bạn với cây kim, sợi chỉ. Trước đây khi chưa có sự hỗ trợ của máy may, mỗi chiếc áo dài phải cần khoảng 4 ngày mới có thể xong hoàn chỉnh. Hiện giờ, khi đã có thêm các công cụ, một người thợ may lành nghề của làng có thể hoàn thiện mỗi ngày 3 chiếc áo.

Yếu tố làm nên thương hiệu áo dài làng Trạch Xá là tà áo luôn luôn mềm mại, thướt tha. Khó khăn nhất khi làm ra một chiếc áo nằm ở công đoạn may đường tà, người dân ở đây có câu “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” để nói về đường may tà áo. Câu này có nghĩa đường may mặt trong áo lì như dán hồ, mặt ngoài chỉ lộ đều tăm tắp như trứng nhện.

Thậm chí, người nghệ nhân phải khâu khéo đến mức sử dụng chỉ khác màu cũng không làm lộ đường khâu. Kỹ thuật khâu của người làng Trạch Xá là khâu tay dọc, không như người ngoài chỉ biết khâu tay ngang. Đây là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi người thợ may phải rất chăm chút khi đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”, tay cầm kim là tay dọc khiến đường khâu không lệch hướng, từ đó giúp áo dài thành phẩm sau khi hoàn thiện luôn mềm mại, thướt tha chứ không thô ráp, cứng nhắc như những nơi khác.

Nghề may áo dài truyền thống luôn được gìn giữ và phát huy

Nhiều thợ may làng Trạch Xá cho biết, khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, nghề may áo dài truyền thống phát triển mạnh mẽ trong làng. Đến làng Trạch Xá ngày đó, đâu đâu cũng thấy những tà áo dài thướt tha treo khắp trong nhà ra tới ngoài ngõ. Tuy bây giờ không còn “hoàng kim” như vậy, nhưng nghề may áo dài truyền thống vẫn luôn được duy trì đều đặn trong làng. Làng Trạch Xá có tổng cộng hơn 510 hộ, số hộ làm nghề may áo dài chiếm tới 70%.

Từ khi làng Trạch Xá có thêm sự hỗ trợ đắc lực của máy móc, nhiều người từ nơi khác cũng đến làng tầm sư học đạo, rất nhiều trong số đó sau khi ra nghề đã trở thành chủ những hiệu may có tiếng. Biển của những cửa hiệu này thường được đệm chữ “Trạch” để khẳng định nguồn gốc thương hiệu đến từ làng Trạch Xá. Trong thời buổi kinh tế thị trường, dân làng cũng dần thay đổi tư duy, chỉ truyền nghề cho con cháu, mà còn truyền nghề cho người nơi khác đến, giúp cho nghề may áo dài truyền thống Việt Nam luôn được gìn giữ và phát huy.

Dù trải qua lịch sử phát triển hàng nghìn năm với nhiều biến cố thăng trầm, nhưng nghề may áo dài ở làng nghề truyền thống Trạch Xá chưa từng bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Mặc dù, trào lưu áo dài cách tân với đa dạng kiểu cách, màu sắc, mẫu mã … từng gây sốt trên thị trường, cũng chưa bao giờ chiếm lĩnh và làm phai nhạt hình ảnh tà áo dài truyền thống. Áo dài truyền thống dù chỉ một kiểu cách duy nhất, song giá trị văn hóa luôn được bảo tồn.

Đây cũng là mạch nguồn giúp cho người dân làng Trạch Xá gắn bó với nghề chân truyền của làng từ đời này qua đời khác. Hàng ngàn năm qua, biết bao đời thợ may áo dài truyền thống làng Trạch Xá đã và đang dùng tình yêu, sự nhiệt huyết thổi hồn vào mỗi sản phẩm để khi nhắc tới áo dài, người ta sẽ nhớ ngay tới địa danh Trạch Xá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Làng áo dài”: Nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa quê hương