Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTH&DL) hiện có 4 điểm nghẽn cản trở du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có việc hạ tầng hàng không quá tải, nhân lực chất lượng cao...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ VHTH&DL Nguyễn Ngọc Thiện.
Bộ trưởng Thiện đã nhận được hơn 60 câu hỏi về nhiều vấn đề còn tồn tại của lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. Nhiều câu hỏi về những “điểm nghẽn” của ngành du lịch Việt Nam và hướng tháo gỡ trong tương lai đã được trả lời tại phiên trả lời chất vấn sáng 6/6.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) về điểm nghẽn và giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, điểm nghẽn đầu tiên của du lịch là hạ tầng. Hiện nay hạ tầng sân bay quá tải, khách đến nhiều sân bay không có chỗ đỗ, đợi làm thủ tục rất lâu, nếu tăng lượng khách 20% rất khó đáp ứng.
Điểm nghẽn thứ hai liên quan đến vấn đề thị thực. Trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN đã miễn thị thực cho khoảng 160 nước thì Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia. Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam được xếp hạng cao về tiềm năng đầu vào. Tuy nhiên, mức độ yêu cầu về thị thực nhập cảnh của Việt Nan chỉ đứng thứ 116/136 quốc gia được khảo sát, đánh giá.
Bộ trưởng Bộ VHTH&DL Nguyễn Ngọc Thiện
Ngoài ra, việc quảng bá, xúc tiến du lịch cũng còn nhiều hạn chế. Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cho biết, mỗi năm Việt Nam chỉ đầu tư trung bình khoảng 2 triệu USD kinh phí cho hoạt động này. Mức chi này thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia chi khoảng 100 triệu USD/năm). Việt Nam gần như không có văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến quảng bá du lịch, chủ yếu dựa vào các Đại sứ quán, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng.
Cũng theo ông Thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của Việt Nam cũng thiếu. Hiện để quản lý khách sạn 4-5 sao phải thuê người nước ngoài. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng chưa cao.
"Hôm qua có đại biểu hỏi du lịch có phải ngôi sao cô đơn hay không? Câu trả lời là không. Du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của toàn xã hội", Bộ trưởng Thiện trả lời.
Ông cũng cho biết, hiện Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã và đang nỗ lực tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, hiện cả nước chia thành 7 vùng du lịch, trên cơ sở này các tỉnh, thành phát triển du lịch địa phương, tuy nhiên "đúng là liên kết các vùng du lịch, nhất là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch hiện còn yếu, hạn chế".
Để khắc phục hạn chế này, Bộ trưởng Thiện cho rằng, không còn cách nào khác là chính quyền địa phương phải nhận thức và làm tốt hơn trong liên kết về du lịch. Chẳng hạn, du khách tới khu vực miền Trung thì 3 địa phương là Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... phải liên kết chặt chẽ để phát triển các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn.
Xe đua F1 khuấy động không khí tại Hà Nội
Trước ý kiến của đại biểu cho rằng, sản phẩm du lịch hiện nghèo nàn nên khó thu hút du khách, lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam thấp... Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận "đúng là sản phẩm du lịch Việt Nam cần phải đa dạng, phong phú hơn".
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói, hiện Việt Nam có 4 dòng sản phẩm du lịch, gồm du lịch biển, nghỉ dưỡng; du lịch văn hoá, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Về sản phẩm du lịch của tương lai, ông Thiện dự báo, sẽ là sản phẩm du lịch thể thao.
Dự kiến năm 2020 Việt Nam sẽ có giải đua F1, cùng với việc đăng cai một số giải thể thao tầm khu vực tạo thành dòng sản phẩm mới thu hút du khách quốc tế và trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, việc đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao sẽ là một trong giải pháp để du khách quay lại Việt Nam nhiều hơn.