Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh: Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Lan Hương| 03/10/2014 06:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đang đối mặt với các nguy cơ, thách thức đó là: Mức sinh chưa ổn định, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên một số nơi có chiều hướng gia tăng, mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động.

Sẽ có 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ

Tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi bình thường trong khoảng 103-107 nam/100 nữ. Duy trì chỉ số này trong giới hạn trên sẽ đảm bảo sự cân bằng trong phát triển tự nhiên và xã hội, của một quốc gia, địa phương. Mất cân bằng giới tính khi sinh thường xảy ra ở các quốc gia thực hiện chính sách dân số hạn chế sinh đẻ, gia đình ít con (1-2 con) như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, và một số nước vùng trung á như Azecbaizan, Ac mênia... Từ cuối những năm 70 khi xuất hiện máy siêu âm, kỹ thuật chọc ối, xét nghiệm máu, gen... đã giúp cho các cặp vợ chồng biết đựơc giới tính thai nhi. Những năm 1990, tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc, Hàn Quốc đã lên tới 115. Từ năm 2000 đến nay Hàn Quốc đã cơ bản khống chế được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa về đúng quy luật sinh sản tự nhiên trong khi Trung Quốc vẫn tăng lên 122,8 năm 2010. Tính đến năm 2005 đã có 12 nước vùng lãnh thổ xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Năm 2000, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức bình thường nhưng trong những năm gần đây đã có biểu hiện tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh có khoảng 2,3-4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.

Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh: Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Chính sách bình đẳng giới cần được thực hiện đầy đủ để trẻ em gái được chăm sóc tốt hơn

 

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là tình trạng phổ biến ở các địa phương trong cả nước. Vùng thành thị cao hơn nông thôn, cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng 115,3, sau đó vùng Đông Nam bộ 111, Đồng bằng sông Cửu Long 109,9, bắc trung bộ và Duyên hải miền trung 109,7, trung du miền núi phía bắc 108,5, thấp nhất vùng Tây nguyên 105,5. Trong nhóm 10 tỉnh có tỷ số giới tính cao Hưng Yên là tỉnh có tỷ số cao nhất 130,7 và 10 tỉnh có tỷ số thấp, thấp nhất là Bắc Cạn 102. Tỷ số giới tính khi sinh theo lần sinh có xu hướng tăng ở lần sinh thứ nhất 110,2, lần 2 là 109, lần 3 là 115,8. Tỷ số giới tính khi sinh tăng tỷ lệ thuận với trình độ học vấn người mẹ. Theo các nhóm kinh tế - xã hội thì nhóm giàu nhất tỷ số giới tính khi sinh 112,9, nhóm trung bình 112,8, nhóm nghèo nhất 105,2.

Hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã được tổ chức UNFPA cảnh báo: nếu xu hướng này lặp lại ở Việt Nam và lan rộng diễn ra với tốc độ nhanh sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học. Cũng theo dự báo của tổ chức UNFPA nếu tiếp tục tăng như vậy các năm tiếp theo sẽ tác động nặng nề đến thế hệ nam thanh niên được sinh ra sau năm 2005 vì khi bước vào độ tuổi lập gia đình vào những năm 2030 thì nhóm nam giới này sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi 10%. Nếu không có can thiệp hiệu quả để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì sau 20 năm nữa Việt Nam sẽ có 4,3 triệu thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước. Dù làm tốt can thiệp để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì con số đó cũng còn tới 2,3 triệu

Nguyên nhân và giải pháp

Nguyên nhân của tình trạng trên là: Phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên ăn sâu vào tiềm thức người dân. Do áp lực sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con nhưng các cặp vợ chồng mong muốn trong số đó nhất thiết phải có con trai vì vậy đã tìm các dịch vụ y tế, xã hội để lựa chọn giới tính khi sinh. Do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động. Do chế độ an sinh chưa đảm bảo, hiện nay có khoảng 70% dân số sống nông thôn không có lương hưu bảo hiểm tuổi già, họ cần con trai để phụng dưỡng chăm sóc. Trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai vì họ sẽ cảm thấy lo lắng và không an tâm trong tương lai nếu chưa có con trai. Do chính sách đối với nữ giới chưa thoả đáng, bình đẳng giới có mặt chưa được quan tâm đầy đủ. Nguyên nhân trực tiếp là lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi ngày cảng phổ biến.

Tuy nhiên, ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị của phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, giải pháp không chỉ tập trung vào giải quyết hiện tượng mà vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Khi phụ nữ, trẻ em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm bình đẳng như nam giới, họ có thể phát triển tốt và làm được những gì nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ có phụ nữ thì không giải quyết được vấn đề mà cần có sự hợp tác của nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa, xã hội.

Nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, cần tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền- giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xóa bỏ quan niệm cũ phải có con trai nối dõi tông đường. Cung cấp thông tin về tình hình, hậu quả và giải pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đến mỗi cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tầng lớp dân cư.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh Dân số về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức đã nêu trong điều 10 Nghị định số 104-CP ngày 16/9/2003 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh Dân số.

Sáng 28/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ mít tinh khởi động Chiến dịch “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh”. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lực chọn giới tính thai nhi do định kiến giới; kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa của Chính phủ và các cơ quan liên quan cùng chung tay chấm dứt hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh - một trong những hình thức phân biệt đối xử.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh: Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới