Cải cách tư pháp

Giải pháp khắc phục tình trạng hoãn phiên tòa nhiều lần trong xét xử phúc thẩm

Mai Đỉnh 08/01/2025 - 21:50

Liên quan đến tình trạng hoãn phiên tòa nhiều lần trong xét xử phúc thẩm, Thẩm phán Trần Thị Quỳnh – TAND cấp cao tại Hà Nội đã chia sẻ một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng hoãn phiên tòa nhiều lần.

Thực trạng hoãn phiên tòa và hệ quả

Chia sẻ với Báo Công lý, Thẩm phán Trần Thị Quỳnh – TAND cấp cao tại Hà Nội cho biết, trong quá trình xét xử vụ án thì pháp luật cho phép việc hoãn phiên toà nhằm bảo đảm việc xét xử được khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Việc hoãn phiên tòa chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định, sau khoảng thời gian đó sẽ tiến hành xét xử.

Hoãn phiên tòa phúc thẩm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 232 Luật Tố tụng hành chính; còn hoãn phiên tòa phúc thẩm dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự và hoãn phiên tòa phúc thẩm hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 352 Bộ luật Tố tụng hình sự.

"Tuy nhiên, nếu hoãn phiên tòa quá nhiều lần thì sẽ kéo dài thời gian giải quyết, vừa lãng phí, tốn kém kinh phí của Nhà nước khi tổ chức phiên toà, vừa lãng phí thời gian, công sức của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng cũng như của chính bộ máy giúp việc (văn thư, hành chính tư pháp..), đồng thời gây tâm lý bức xúc cho người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh Tòa án, làm giảm niềm tin vào công lý", Thẩm phán Trần Thị Quỳnh cho hay.

tham-phan-ttq-hoan-phien-toa-2-.jpg
Thẩm phán Trần Thị Quỳnh – TAND cấp cao tại Hà Nội.

Theo Thẩm phán Trần Thị Quỳnh, thực trạng “hoãn phiên tòa nhiều lần” hiện nay tại TAND cấp cao tại Hà Nội đã được khắc phục rất nhiều so với trước, đa số các vụ việc đều được xét xử theo đúng thời gian được ấn định tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử, việc hoãn phiên tòa đã giảm nhiều nhưng vẫn còn tình trạng hoãn phiên tòa nhiều lần, số lượng vụ việc bị hoãn phiên tòa trong tỷ lệ lên lịch xét xử vẫn cao.

Về nguyên nhân của việc “hoãn phiên tòa nhiều lần”

Thẩm phán Trần Thị Quỳnh cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hoãn phiên tòa, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

Về nguyên nhân khách quan, đa số việc hoãn phiên tòa là thực hiện theo quy định tố tụng. Ví dụ: Trong một số trường hợp Luật quy định nếu phiên tòa mở lần thứ nhất mà vắng mặt người tham gia tố tụng thì phải hoãn phiên tòa; Hoãn phiên tòa do phát sinh người tham gia tố tụng mới mà Hội đồng xét xử không thể biết trước như có đương sự chết và chưa xác định được người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng, nên Hội đồng xét xử buộc phải hoãn phiên tòa để xác minh và triệu tập những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định... Một số trường hợp phải hoãn phiên tòa do báo phát không thành công, tống đạt không hợp lệ;...

Về nguyên nhân chủ quan, chủ yếu xuất phát từ chính sự thiếu chủ động của những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là Thẩm phán và Thư ký, đôi khi còn chưa có sự chủ động cao nhất trong việc kiểm tra và nghiên cứu hồ sơ; thiếu sự chủ động trong công tác phối hợp giữa Thẩm phán, Thư ký và bộ phận liên quan (Văn phòng) trong việc tổ chức phiên tòa. Ví dụ như sự thiếu chủ động trong việc kiểm tra kết quả tống đạt, dẫn đến nhiều trường hợp khi ra phiên tòa mới biết được là tống đạt chưa hợp lệ nên không kịp xử lý và khắc phục về mặt tố tụng, không kịp báo bổ sung cho đương sự biết để họ kịp thời có mặt tại phiên tòa theo lịch xét xử đã ấn định, dẫn đến phải hoãn phiên tòa.

Một nguyên nhân chủ quan nữa cũng phải kể đến đó là tính trách nhiệm của những người liên quan. Ví dụ như đôi khi Thư ký vẫn còn sơ suất trong việc kiểm tra thông tin của đương sự dẫn đến báo gọi, tống đạt không được do sai tên, địa chỉ hoặc chưa đầy đủ thông tin hoặc sự thiếu trách nhiệm cao của chính bộ phận liên quan như văn thư, bưu chính, thừa phát lại... cũng dẫn đến việc tống đạt không kịp thời hoặc là không tống đạt được hoặc là chậm kết quả tống đạt hợp lệ, dẫn đến phải hoãn phiên tòa.

Về các giải pháp khắc phục việc hoãn phiên tòa nhiều lần

Thẩm phán Trần Thị Quỳnh đưa ra các giải pháp khắc phục, trong đó có nhóm các giải pháp khắc phục nguyên nhân chủ quan và nhóm các giải pháp khắc phục nguyên nhân khách quan.

Về nhóm khắc phục các nguyên nhân chủ quan: Theo Thẩm phán Trần Thị Quỳnh thì cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm, ý thức, sự nỗ lực cố gắng và sự chủ động của chính Thẩm phán và Thư ký cũng như những người làm công tác bổ trợ như hành chính tư pháp, văn thư, bưu chính, thừa phát lại. Cần có sự chủ động trao đổi nếu thấy có vướng mắc để có thể giải quyết được ngay sau khi lên lịch xét xử.

Về nhóm khắc phục các nguyên nhân khách quan: Trước hết cần tăng cường phối hợp giữa Thẩm phán và Thư ký, giữa Thư ký và Văn phòng trong việc nhận hồ sơ, lên lịch, tống đạt và chủ động trao đổi kiểm tra việc tống đạt nói riêng và việc tổ chức phiên tòa nói chung;

Tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đặc biệt là trong việc chuyển trả hồ sơ... Theo Thẩm phán Trần Thị Quỳnh thì việc trả hồ sơ của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp hiện nay về cơ bản là đúng thời hạn quy định, nhưng trong bối cảnh Tòa án muốn đẩy nhanh tiến độ hơn nữa trong việc giải quyết vụ án thì cũng cần sự phối hợp từ Viện kiểm sát để Viện kiểm sát trả hồ sơ nhanh nhất có thể, để tránh tình trạng Tòa án lên lịch sớm, sau đó lại phải hoãn phiên tòa do Thẩm phán nhận hồ sơ sát ngày xét xử nên không có đủ thời gian để xử lý các tình huống tố tụng phát sinh từ việc nghiên cứu hồ sơ.

tham-phan-ttq-hoan-phien-toa-1-.jpg
Thẩm phán Trần Thị Quỳnh làm chủ tọa một phiên tòa.

Bên cạnh đó, Thẩm phán Trần Thị Quỳnh cũng đưa ra giải pháp mang tính hỗ trợ như tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng các phương pháp phi truyền thống để khắc phục các quy định tố tụng trong tổ chức phiên tòa. Theo đó, khi thấy tống đạt bị chuyển hoàn thì Thư ký chủ động tìm cách liên lạc với đương sự bằng điện thoại, email, zalo và các công cụ hỗ trợ khác để thông báo cho người tham gia tố tụng biết được lịch xét xử và bố trí sắp xếp tham gia hoặc nếu họ không tham gia được thì họ có văn bản trình bày ý kiến, để tránh việc phải hoãn phiên tòa do không tống đạt hợp lệ.

Thẩm phán và Thư ký cũng cần chủ động nắm bắt thông tin về sự có mặt của các đương sự kháng cáo trước khi xét xử, nhất là các vụ án hành chính, nếu người khởi kiện có kháng cáo đến phiên tòa ngay từ lần đầu, thì cũng chủ động liên lạc, đề nghị người bị kiện bố trí công tác, tham gia phiên tòa, nếu người bị kiện không thể tham gia được phiên tòa ngay cả khi phiên tòa hoãn và bố trí thời gian khác thì đề nghị người bị kiện có văn bản xin xét xử vắng mặt để bảo đảm đúng tố tụng và Tòa án có thể tiến hành xét xử được ngay mà không phải hoãn phiên tòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp khắc phục tình trạng hoãn phiên tòa nhiều lần trong xét xử phúc thẩm