14h ngày 18/12 (10h giờ Moscow), Bộ Quốc phòng Nga đã tổ chức cuộc họp báo liên quan đến quá trình điều tra và việc giải mã hộp đen chiếc Su-24 bị bắn hạ hôm 24/11.
Bộ Quốc phòng Nga tổ chức họp báo thông tin về cuộc điều tra vụ Su-24 bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 24/11 và việc giải mã hộp đen. Ảnh: Sputnik
Theo Sputnik, họp báo diễn ra tại Ủy ban Hàng không liên quốc gia có trụ sở tại Moscow. Nga đã mời 14 quốc gia tham gia giải mã hộp đen, song hiện chỉ có Trung Quốc và Anh nhận lời.
Tại cuộc họp, ông Sergei Dronov - Phó Tổng tư lệnh Lực lượng Không gian Vũ trụ Nga khẳng định: Nga nắm giữ toàn bộ dữ liệu và chứng cứ cần thiết để chứng minh Su-24 không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ như từng bị cáo buộc. Ông cũng nhấn mạnh rằng, quá trình kiểm tra hộp đen càng minh bạch thì sẽ càng có lợi cho các bên.
Trước đó, ngày 09/12, trong cuộc họp báo công bố về hộp đen Su-24, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, việc phân tích kỹ lưỡng hộp đen sẽ giúp chỉ ra các thông số liên quan đến đường bay, vị trí máy bay bị bắn hạ, bởi đây là mấu chốt dẫn đến bất đồng giữa Moscow và Ankara.
Theo Sputnik, hộp đen của Su-24 được mở công khai trước sự chứng kiến của các nhà báo; sau đó sẽ được đưa tới phòng thí nghiệm đặc biệt. Những dữ liệu ban đầu sẽ được công bố vào ngày 21/12 tới. Tại đây, các chuyên gia sẽ sử dụng thiết bị đặc biệt để giải mã hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay.
Hộp đen Su-24. Ảnh: Sputnik
Các chuyên gia giải thích, mặc dù được gọi là hộp đen, song các thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay này có vỏ thực tế là màu cam bởi sẽ cho khả năng hiển thị tốt hơn. Chúng có thể chuyển sang màu đen khi gặp hỏa hoạn.
Chuyên gia cũng xác nhận có một vài hư hại nên phải thông qua kiểm tra bằng tia X nhằm phát hiện bất kỳ vết rạn hay hỏng hóc nào dù là nhỏ nhất đối với tất cả 16 con chip của bộ nhớ.
Quá trình kiểm tra diễn ra trong phòng thí nghiệm đặc biệt. 3 trong số 8 con chip đầu tiên bị hư hại hoàn toàn và gần như không chứa bất kỳ thông tin nào, Sputnik thông tin.
Chiếc Su-24 sáng 24/11 bị tên lửa không đối không từ chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ khi đang làm nhiệm vụ ở Syria vì cáo buộc xâm phạm không phận. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Nga và Syria đều khẳng định Su-24 chưa hề bay vào vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ, căn cứ vào dữ liệu hiển thị trên màn hình radar tại căn cứ quân sự ở Latakia.
Sự cố Su-24 đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Moscow và Ankara leo thang nghiêm trọng. Chính quyền Tổng thống Erdogan nhất quyết không đưa ra lời xin lỗi bất chấp lệnh trừng phạt mà Điện Kremlin đưa ra nhằm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.