Giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân đạt 24,7%GDP

Lan Trần| 02/01/2020 13:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân đạt 24,7%GDP (vượt kế hoạch là 23,5%GDP).

Thông tin trên đã được Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác khóa sổ thu, chi NSNN năm 2019 diễn ra mới đây.

Tại hội nghị, thông tin về thu chi NSNN năm 2019, Bộ Tài chính cho biết, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019 được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Tuy nhiên, đến 12h00 ngày 31/12/2019, tổng thu NSNN đã đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% (128,1 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 82,1 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.

Giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân đạt 24,7%GDP

Năm 2019, tổng thu NSNN đã đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% (128,1 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Ảnh minh họa

Trong thu NSNN năm 2019, thu nội địa đạt 1.260,5 nghìn tỷ đồng, vượt 7,4% (87 nghìn tỷ đồng); Thu từ dầu thô 55,9 nghìn tỷ đồng, vượt 25,3% (11,3 nghìn tỷ đồng);  Thu từ hoạt động XNK sau khi trừ số hoàn thuế giá trị gia tăng đã tăng thêm 18,8 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Số thu cân đối ngân sách đạt xấp xỉ 217,9 nghìn tỷ đồng, vượt 15,2% (28,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán; Tỷ lệ động viên thu NSNN đạt 25%GDP, riêng động viên thuế và phí đạt 21%GDP.

Với kết quả nêu trên, Bộ Tài chính đánh giá cả giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân đạt 24,7%GDP (vượt kế hoạch là 23,5%GDP); cơ cấu thu NSTW chiếm 55%, thu NSĐP chiếm 45% tổng thu NSNN; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách tăng dần: năm 2016 là 68,9%, năm 2019 là 81,9%, đến năm 2020 dự kiến gần 84%.

Báo cáo cho thấy, tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động XNK năm 2016 tương ứng là 3,6% và 15,5%, năm 2019 tương ứng là 3,6% và 14,2%,  năm 2020 tương ứng là 2,3% và 13,8%).

Theo Bộ Tài chính, năm 2019 cả thu NSTW và thu NSĐP đều vượt dự toán, trong đó: thu NSTW vượt xấp xỉ 4% (32,2 nghìn tỷ đồng), thu NSĐP vượt 16% (96 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa, với 30 địa phương vượt trên 20% dự toán, 14 địa phương vượt từ 10 - 20% dự toán và 17 địa phương vượt dưới 10% dự toán; những địa phương có kết quả thu đạt cao là Ninh Bình, Bắc Giang, Bình Định, Phú Yên...

Năm 2019, Bộ Tài chính đã tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách, quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm; điều tra chống buôn lậu bắt giữ 17,3 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 71,7 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 25,1 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 17,2 nghìn tỷ đồng).

Cơ quan Thuế đã thực hiện thu hồi 35.200 tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang. Tổng số nợ thuế nội địa cuối tháng 12/2019 là 80.830 tỷ đồng, tăng 5,9% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó: nợ có khả năng thu là 40.602 tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng số tiền thuế nợ, tăng 4,8% so với thời điểm 31/12/2018; nợ không có khả năng thu hồi là 40.228 tỷ đồng, chiếm 49,8%, tăng 7,1% so với thời điểm 31/12/2018. Cơ quan Hải quan đã thu hồi và xử lý 992 tỷ đồng nợ đọng thuế.

Về chi NSNN, theo quy định của Luật NSNN, một số nhiệm vụ chi đang thực hiện dở dang sẽ tiếp tục được thanh toán đến hết ngày 31/01/2020 (hết thời gian chỉnh lý quyết toán), có những nhiệm vụ được xem xét chuyển nguồn tiếp tục thực hiện trong năm 2020.

Bộ Tài chính thông tin chi NSNN năm 2019 được quản lý chặt chẽ theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đồng thời cơ cấu lại chi trong từng lĩnh vực, gắn với đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Bội chi NSNN năm 2019 giảm từ mức 3,7% dự toán xuống ở mức dưới 3,4% GDP thực hiện; nợ công đến nay giảm còn 56,1% so với mức 63,7% cuối năm 2016.

“Năm 2019 đã tiếp tục cơ cấu một bước nợ công, kéo dài kỳ hạn phát hành TPCP (kỳ hạn bình quân là 13,47 năm, tăng 0,78 năm so với cuối năm 2018); giảm chi phí nợ công (lãi suất phát hành bình quân 11 tháng năm 2019 là 4,68%/năm, giảm từ 1,2-1,6%/năm so với thời điểm đầu năm 2019); tăng tỷ trọng vay trong nước, dự kiến cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ Chính phủ (so với mức 60,1% năm 2016)...”, thông báo của Bộ Tài chính nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân đạt 24,7%GDP