Giải đáp các tình huống liên quan đến tội phạm áp dụng án treo

Bình Nguyên (ghi)| 02/06/2020 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại hội nghị tập huấn trực tuyến giải đáp nghiệp vụ cho các Tòa án toàn quốc mới đây, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các vụ án và thực tiễn xét xử đã được các Thẩm phán TANDTC hướng dẫn tới các Thẩm phán, Tòa án địa phương.

1. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không quy định không cho hưởng án treo đối với trường hợp người phạm tội đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác hoặc người phạm tội họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác.

Vậy, trường hợp bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo nhưng trong hồ sơ thể hiện bị cáo còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong vụ án khác thì có được hưởng án treo hay không?

Giải đáp các tình huống liên quan đến tội phạm áp dụng án treo

Ảnh: Hội nghị tập huấn

Trả lời: Tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP đã hướng dẫn một trong những điều kiện để cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo là phải “có nhân thân tốt”. Trường hợp này, người phạm tội đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác hoặc người phạm tội họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác là không bảo đảm điều kiện có nhân thân tốt để cho hưởng án treo.

2. Người có hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 (ngày Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành) mà sau thời điểm này mới bị phát hiện, đang bị điều tra truy tố xét xử thì khi xem xét cho hướng án treo, Tòa án căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hay Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP?

Trả lời: Đối chiếu các quy định về phạm vi áp dụng án treo tại Điều 60 của BLHS năm 1999 và Điều 65 của BLHS năm 2015 thì phạm vi áp dụng án treo của 02 điều luật này là không thay đổi, không thu hẹp cũng không mở rộng (đều phải có có điều kiện: khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm).

Do đó, đối với hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01-01-2018 mà sau thời điểm này mới bị phát hiện, đang bị điều tra truy tố xét xử thì Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 65 của BLHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn áp dụng quy định này (trong đó có Nghị quyết số 02/2018) để xem xét cho hay không cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, đối với quy định về người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên trong thời gian thử thách tại đoạn 2 khoản 1 và khoản 5 Điều 65 của BLHS năm 2015 là quy định mới không có lợi cho người phạm tội, nên quy định này không được áp dụng đối với hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 3 Điều 7 BLHS và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về việc thi hành BLHS 2015. Do đó, khi tuyên án Tòa án cũng không áp dụng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết số 02/2018 để tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách đối với hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 nếu đủ có điều kiện cho hưởng án treo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải đáp các tình huống liên quan đến tội phạm áp dụng án treo