Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phải kê khai giảm cước vận tải phù hợp với giá xăng dầu. Tuy nhiên, đến nay nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện, hoặc chỉ làm theo kiểu đối phó.
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phải kê khai giảm cước vận tải phù hợp với giá xăng dầu. Tuy nhiên, đến nay nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện, hoặc chỉ làm theo kiểu đối phó.
Giảm giá cũng như không
Đợt giảm giá xăng dầu ngày 22/1 vừa qua là đợt giảm thứ hai trong năm 2015 và là lần thứ 15 kể từ năm 2014 đến nay. Như vậy, giá xăng dầu đã giảm khoảng 30%. Theo các chuyên gia kinh tế, giá nhiên liệu (xăng dầu) chiếm từ 40% đến 50% chi phí vận tải. Khi xăng dầu giảm giá 30%, cước vận tải cũng phải giảm từ 12 đến 15% mới hợp lý. Tuy nhiên, đến nay, giá cước vận tải của nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa giảm.
Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương tính toán giá thành, thực hiện điều chỉnh, kê khai giá cước phù hợp với giảm chi phí nhiên liệu, theo đúng hướng dẫn của liên Bộ Tài chính và Giao thông vận tải. Đối với những đơn vị kinh doanh đã kê khai tăng giá cước tại thời điểm xăng dầu tăng giá trong năm 2014, phải chấp hành nghiêm túc nội dung trên. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11/2014, Sở mới nhận được kê khai giảm cước của 29 doanh nghiệp vận tải ta-xi, 3 doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh. Có một số doanh nghiệp đề nghị giữ nguyên giá cước. Vì vậy, sở đã phải đề nghị Sở Tài chính phối hợp đẩy mạnh kiểm tra nhằm đốc thúc việc này, góp phần bảo đảm bình ổn giá cuối năm.
Ảnh minh họa
Tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm cước từ năm ngoái đến nay chỉ đạt khoảng 30% tổng số doanh nghiệp. Từ đầu năm 2015 đến nay, sau hai lần giá xăng dầu giảm, chỉ có 37 trong tổng số 380 đơn vị hoạt động tại ba bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm đăng ký giảm cước. Số doanh nghiệp thực hiện ít và mức giảm không đáng kể. Mức giảm phổ biến từ 3% đến 6% (giảm từ 2 nghìn đến 5 nghìn đồng/vé), một số ít giảm từ 9% đến 12,5% (giảm từ 5 nghìn đến 10 nghìn đồng/vé).
Tại Bến xe phía nam, có những đơn vị mặc dù số lượng xe hoạt động tại bến tương đối cao nhưng chưa hề có động thái giảm giá vé sau nhiều lần giá xăng dầu giảm. Giải thích cho việc chưa chịu giảm giá vé, các doanh nghiệp đưa ra lý do khi xăng nhiều lần tăng giá thì họ vẫn giữ nguyên giá vé. Có những doanh nghiệp lại đối phó, giảm giá theo kiểu "nhỏ giọt" như: Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội giảm 2,35% giá vé tuyến từ Hà Nội đi Sầm Sơn (Thanh Hóa) từ 85 nghìn xuống còn 83 nghìn đồng; giảm 2,86% giá vé tuyến Hà Nội đi các huyện Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình) từ 70 nghìn xuống còn 68 nghìn đồng/vé. Công ty TNHH Vân Nam giảm 3,33% tuyến Hà Nội - Phú Thọ từ 60 nghìn xuống còn 58 nghìn đồng/vé...
Cần xử lý nghiêm
Việc một số đơn vị miễn cưỡng giảm cước một, hai nghìn đồng/vé là hành vi đối phó với các cơ quan chức năng, bởi với mức giảm gần như không đáng kể đối với người dân, song lại gây biết bao phiền toái cho cơ quan quản lý nhà nước khi phải tiếp nhận và xử lý các văn bản, phải in lại vé, bảng biểu niêm yết...
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội Bùi Danh Liên đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính Hà Nội cho phép các doanh nghiệp vận tải hoạt động trên địa bàn được phụ thu trong dịp Tết để bù lỗ các chuyến xe tăng cường. Cụ thể, phụ thu cho tuyến từ 150 km trở lên với mức tăng 30% giá vé; phụ thu cho tuyến từ 300 km trở lên với mức tăng 40% giá vé. Như vậy, nếu không có sự kiểm soát tốt, sẽ có nhiều doanh nghiệp chẳng những không giảm, còn tăng giá vé đáng kể trong dịp Tết này.
Thực tế này đòi hỏi cần có biện pháp kiên quyết để buộc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với chi phí nhiên liệu, nhằm bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước và bảo vệ lợi ích của người dân. Được biết, Sở Tài chính Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Ngày 20/1 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục làm việc tại 8 doanh nghiệp. Kết quả, phát hiện năm doanh nghiệp có những vi phạm về kê khai giá; trong đó xử phạt hai doanh nghiệp vi phạm với mức 30 triệu đồng/doanh nghiệp (gồm Công ty TNHH Hưng Thành và hãng Ta-xi Vina). Các doanh nghiệp còn lại đang kê khai lại giá cước... Tuy nhiên, mức độ kiểm tra, xử lý vẫn còn nhiều hạn chế so với phạm vi cần kiểm soát. Trong khi đó, Tết Nguyên đán đã đến gần, người dân lo lắng nếu cơ quan quản lý không kịp thời ra tay, giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng mạnh, khó có thể bảo đảm thực hiện tốt công tác bình ổn giá.
Ngày 26/1, Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Các Đoàn kiểm tra sẽ định kỳ báo cáo kết quả kiểm tra với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải và sẽ xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về giá nhằm chấn chỉnh các đơn vị kinh doanh vận tải trong điều kiện giá xăng dầu giảm sâu trong thời gian qua. |