Giá vàng hôm nay 18/2: Tiếp tục giảm sâu

Minh Khang| 18/02/2021 09:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giá vàng giảm rất mạnh khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và nhiều quốc gia khác tiếp tục đi lên, USD tăng giá.

Giá vàng trong nước

Trước giờ mở cửa phiên giao dịch sáng nay 18/2, giá SJC tại thị trường TP HCM được niêm yết 56,35-56,90 triệu đồng/lượng, giảm tổng cộng 400 nghìn đồng chiều mua vào và 550 nghìn đồng chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.

Giá vàng Doji tại Hà Nội được niêm yết 56,30- 56,80 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 300 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 550 nghìn đồng chiều bán ra.

v.jpg

Trong khi đó, giá vàng 24k Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu 54,58-55,18 triệu đồng/lượng, giảm 500 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 800 nghìn đồng chiều bán ra.

Không tránh được xu hướng, trên hệ hống Phú Quý, giá vàng miếng SJC sáng sớm nay có giá 56,33-56,80 triệu đồng/lượng, giảm 370 nghìn đồng và 600 nghìn đồng hai chiều; Giá vàng 9999 NPQ là 54,30-55,10 triệu đồng/lượng, giảm 750 nghìn đồng và 700 nghìn đồng hai chiều…

Như vậy, sau phiên đầu tiên của năm mới Tân Sửu, giá vàng trong nước đã giảm rất mạnh nhưng mức giảm không tương xứng với giá vàng thế giới. Mức điều chỉnh không đồng đều của giá vàng trong nước cũng kéo khoảng cách mua vào và bán ra tại các thương hiệu co mạnh về 500-800 nghìn đồng/lượng tùy thương hiệu.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu

Trong phiên giao dịch sáng ngày 18/2, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,01% lên 1.776,3 USD/ounce vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 4 cũng tăng 0,06% lên 1.776,25 USD/ounce. 

Giá vàng giảm xuống thấp nhất trong hơn 2 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/2) vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD tăng tiếp tục gây áp lực lên kim loại quý. 

Theo chuyên gia phân tích Bernard Dahdah, thị trường vàng dường như đã bị ràng buộc bởi lợi suất trái phiếu Mỹ.

Kỳ vọng ngày càng lớn về lạm phát đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020. Đà tăng của lợi suất trái phiếu cũng hỗ trợ đồng USD phục hồi từ đáy 3 tuần và theo đó gây áp lực lớn hơn tới vàng. 

Tỷ lệ lạm phát hoà vốn, một chỉ số đo lường lạm phát kỳ vọng, đang ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2014 là 2,2%, theo Reuters

Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lạm phát, kỳ vọng lạm phát tăng đã đẩy lợi suất trái phiếu lên cao, theo đó làm gia tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời là vàng. 

Tiến triển của gói cứu trợ COVID-19 của Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD, với việc Tổng thống Joe Biden củng cố cho dự luật gồm cả chi phiếu kích thích kinh tế trị giá 1.400 USD, tiếp tục thúc đẩy lợi suất tăng.

Tuy nhiên vàng có thể trở lại là tài sản được ưa chuộng khi các đồng ngoại tế khác bắt đầu vượt trội so với đồng bạc xanh vào cuối năm nay, theo chuyên gia phân tích Craig Erlam của OANDA. Ông cho biết thêm kim loại quý có thể mở rộng các mức đã xác lập vào tháng 11, 12 và tháng 1, khi nó tăng trên 1.900 USD.

Giới đầu tư cũng chờ đợi biên bản họp chính sách tiền tệ tháng 1 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến được phát hành vào thứ Tư (17/2).

Trên thị trường kim loại, giá bạch kim, kim loại được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác của ô tô, đã giảm 2,5% xuống 1.230,36 USD/ounce, thấp hơn nhiều mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, xác lập vào ngày 16/2, là 1.336,5 USD/ounce.

Giá palladium giảm 0,8% xuống 2.364,03 USD/ounce, trong khi giá bạc giảm 0,3% xuống 27,14 USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá vàng hôm nay 18/2: Tiếp tục giảm sâu