Theo thống kê của Cục CSĐT tội phạm về TTXH, các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội chiếm khoảng hơn 90% tổng số các vụ án giết người đã xảy ra, tính chất, mức độ ngày càng đặc biệt nghiêm trọng…
Giết người chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ
Ngày 26/3, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã xét xử phúc thẩm, bác đơn xin giảm án của bị cáo, tuyên tăng hình phạt đối với bị cáo Trương Ngọc Hưng (SN 1989, ngụ tỉnh Bình Dương) từ 18 năm tù lên 20 tù về tội “giết người”. Khoảng 14h ngày 21/9/2013, chỉ vì bênh vợ mình khi đang cãi nhau ngoài chợ, Hưng rút dao đâm liên tiếp nhiều nhát khiến một người tử vong.
Ngày 26/3, TAND TP HCM xét xử đối với bị cáo Trương Văn Lình (SN 1966, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) về tội “giết người”. Trước đó, chỉ vì cãi nhau với con trai, Lình đã dùng dao đâm anh này tử vong. HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Văn Lình 14 năm tù.
Ngày 25/3, TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử vụ án giết người đối với Trương Văn Huynh (SN 1991) trú tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An và Trần Văn Phú (SN 1990) trú tại xã Nghi Hương, TX. Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Trước đó, ngày 2/9/2013, Trương Văn Huynh cùng nhóm bạn đi chơi có va chạm với một nhóm thanh niên khác. Môt người trong nhóm của Huynh chửi tục khiến hai nhóm xô xát. Hậu quả, một người chết do nhát dao của Huynh. HĐXX đã tuyên phạt Trương Văn Huynh 18 tháng tù về tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Trần Văn Phú bị tuyên phạt 6 tháng tù treo vì tội “gây rối trật tự nơi công cộng”.
Bị cáo Phạm Văn Phú bị tuyên án tử hình
Cùng ngày 25/3, TAND TP HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” đối với bị cáo Phạm Văn Phú (SN 1989, ngụ quận 10, TP HCM). Do bị bạn gái từ chối tình cảm, Phú đã dùng dao đâm nhiều nhát khiến chị này tử vong. Tòa tuyên bị cáo Phạm Văn Phú mức án tử hình.
Theo Báo cáo của Bộ Công an, năm 2013, một số tội phạm xâm phạm trật tự xã hội như tội phạm giết người giảm 4,3% so với năm 2012. Tuy nhiên, tính chất của tội phạm nghiêm trọng hơn. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm đa số trong các vụ trọng án.
Những vụ án giết người được xét xử trong thời gian gần đây cũng phần lớn là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. Theo thống kê của Cục CSĐT tội phạm về TTXH, các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội chiếm khoảng hơn 90% tổng số các vụ án giết người đã xảy ra, tính chất, mức độ ngày càng đặc biệt nghiêm trọng, hành vi hết sức dã man, tàn bạo, nguyên nhân đôi khi chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn hết sức đơn giản.
Những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn
Trong những năm gần đây, lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc đã có kế hoạch thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. Theo thống kê, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chủ yếu là do mâu thuẫn thù tức. Đó là những mâu thuẫn âm ĩ, kéo dài như mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, nợ nần tiền bạc..., tình ái; hoặc là những mâu thuẫn bột phát nhất thời như các vụ án xảy ra vì va chạm giao thông, xích mích trong các cuộc rượu bia… Các vụ giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra còn do hành vi côn đồ càn quấy của một bộ phận thanh niên ở lứa tuổi 16 đến 25, ít học hoặc bỏ học, lười lao động. Bọn chúng thường tụ tập thành các băng nhóm chơi bời lêu lổng, thường có những hành vi thiếu văn hoá, côn đồ, càn quấy nơi công cộng. Đáng chú ý, các đối tượng này thường đem theo hung khí nguy hiểm như súng, dao nhọn, lê, mã tấu… sẵn sàng đâm chém người khác hoặc thanh toán nhau. Loại tội phạm này tuy chiếm tỷ lệ không cao nhưng đang có xu hướng gia tăng, khiến người dân cảm thấy lo lắng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân, qua nghiên cứu từ số phạm nhân phạm tội giết người đang thụ án tại các trại giam cho thấy: Có tới 46% số người phạm tội xuất thân trong những gia đình phức tạp, có vấn đề (đa số các gia đình này có bố, mẹ hoặc anh, chị, em là những người có tiền án, tiền sự, làm những nghề phi pháp); 18% đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; có 14% đối tượng sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp...
Bị cáo Trương Ngọc Hưng bị tuyên 18 năm tù
Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức cho rằng, hệ thống pháp luật về phòng chống tội phạm bạo lực còn nhiều sơ hở. Các quy định về xử lý tội phạm giết người với tội phạm cố ý gây thương tích chưa có giải thích hướng dẫn rõ ràng, nên khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật. Đây là kẽ hở để một số cán bộ có thẩm quyền xử lý tội phạm lợi dụng tiêu cực, dẫn đến việc nhiều đối tượng phạm tội bị xử lý không tương xứng với tính chất mức độ của hành vi phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Một trong những biện pháp là tổ chức công tác tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm do nguyên nhân xã hội. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ việc là do mâu thuẫn thù tức. Vì thế việc phát hiện và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được đưa lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, việc xét xử nghiêm minh, tăng cường xét xử lưu động các vụ án giết người trong thời gian qua đã góp phần răn đe, trấn áp tội phạm, tuyên truyền, vận động người dân ý thức chấp hành pháp luật.