Luật sư nhìn nhận, hành động của người phụ nữ giả nhân viên vào bệnh viện đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ có dấu hiệu của tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”. Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý, cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích “bắt cóc” trẻ sơ sinh.
Như Báo Công lý đã thông tin, ngày 20/8, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tạm giữ Nguyễn Thị Tuyến (SN 1989, Thụy Hương, Chương Mỹ) để điều tra hành vi "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi".
Thông tin ban đầu, khoảng 20 giờ tối 19/8, Tuyến giả danh nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, đến Khoa sản của bệnh viện rồi chiếm đoạt 1 trẻ sơ sinh.
Được biết, cháu bé là con chị N.T.H. (SN 1983, ở xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ), vừa mới sinh tại bệnh viện.
Trong lúc đang tìm cách đưa trẻ sơ sinh ra ngoài bệnh viện thì Tuyến bị phát hiện và bắt giữ.
Vụ việc hiện đang được cơ quan công an, điều tra, làm rõ. Vậy, với những hành vi giả nhân viên y tế đưa cháu bé rời khởi sự quản thúc của bố mẹ, người phụ nữ sẽ bị xử lý ra sao?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thị Huế, (Công ty Luật TNHH XTVN, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi bắt cóc trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả, hành vi gây ra mà người phạm tội sẽ bị xử về hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật.
Nhìn nhận về vụ việc người phụ nữ giả nhân viên y tế để “bắt cóc” trẻ sơ sinh trong bệnh viện, luật sư Huế cho rằng hành vi của Nguyễn Thị Tuyến dù nhằm mục đích gì cũng đã xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm của trẻ em, xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em. Hành vi đó còn gây tâm lý hoang mang lo lắng trong phụ huynh và xã hội. Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý đúng người, đúng tội danh, cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích bắt cháu bé nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, mua bán, hay lý do nào khác.
Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ chứng minh Tuyến bắt cóc cháu bé nhằm tống tiền, chiếm đoạt tài sản, đối tượng sẽ bị xử lý hành vi “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự 2015. Khung hình phạt thấp nhất cho tội danh này từ 02-07 năm tù, cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp, cơ quan điều tra làm rõ hành vi bắt cóc trẻ em nhằm mục đích mua bán thì đối tượng sẽ bị xử lý về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi” theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Khung hình phạt cho hành vi này thấp nhất từ 07 – 12 năn tù, hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo một chuyên gia về tội phạm học, các hành vi bắt bắt cóc trẻ em ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi. Qua công tác đấu tranh về tội phạm này những năm gần đây có thể thấy, mục đích chủ yếu của các tội phạm khi bắt cóc trẻ em là tống tiền, bán cho người khác, bán cho các gia đình hiếm muộn hoặc mang về nuôi.
Vị chuyên gia khuyến cáo nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho trẻ sơ sinh trong bệnh viện, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, theo dõi phát hiện để phối hợp xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến trẻ sơ sinh trong các cơ sở y tế. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, thông tin về âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để sản phụ và người nhà nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa phối hợp đấu tranh trấn áp tội phạm.