Ngoài số liệu 245 phòng học bị bỏ hoang do các huyện báo cáo lên, liệu còn có thêm những phòng học nào khác chưa được các địa phương báo cáo?
Ngày 7/11, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, ngoài 245 phòng học ở các điểm trường bị bỏ hoang trên địa bàn, Sở sẽ tiếp tục rà soát lại những huyện có nhiều điểm trường bị bỏ hoang nhưng không nêu trong báo cáo.
Trường học tại huyện Kbang nhường chỗ cho cây cỏ chen lấn nhau mọc
Theo đó, sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ mở một số cuộc kiểm tra thực tế để tránh tình trạng các huyện tiếp tục báo cáo không trung thực. Từ kết quả này, Sở sẽ có hình thức xử lý cụ thể đối với từng địa phương.
Trước đó, Báo cáo số 231/ĐĐBQH-VP của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Gia Lai cũng chỉ rõ "Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở và UBND các huyện kiểm tra, rà soát việc sử dụng các phòng học tại các thôn, làng đang bỏ hoang, gây lãng phí". Từ đó, Đoàn (ĐBQH) tỉnh Gia Lai đã đề nghị UBND tỉnh Gia Lai rà soát lại 245 phòng học tại các điểm trường bị bỏ hoang, gây lãng phí để trả lời cử tri. Trong đó, nhiều nhất là ở các huyện K'Bang, Đức Cơ, Chư Pah, La Pa...
Ở một diễn biến khác, cũng liên quan đến vấn đề giáo dục trên địa bàn tỉnh, thời gian gần đây, nhiều phụ huynh, học sinh bức xúc vì phí gửi xe đồng loạt tăng giá theo quyết định số 14/2017 của UBND tỉnh. Theo đó, đầu năm 2017, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định yêu cầu các trường thu phí theo mức 450.000 đồng/năm với xe máy và 180.000 đồng/năm với xe đạp. Như vậy, số tiền thu năm nay cao gấp gần 5 lần của các năm về trước.