Bãi tập kết rác tại xã Gào, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai được đầu tư hơn 7 tỷ đồng, tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nước thải từ bãi rác chảy trực tiếp ra suối, tràn vào ruộng, hoa màu của người dân gây nên thực trạng ô nhiễm nặng.
Điều này đã khiến người dân sống tại khu vực lân cận vô cùng bức xúc.
Phản ánh với PV Báo Công Lý chị Trần Thị Minh (35 tuổi, ngụ xã Gào) nói: “Nước thải từ bãi tập kết hàng trăm tấn rác có màu đục ngàu, bốc mùi hôi thối nồng nặc cứ thể chảy trực tiếp ra suối, tràn vào ruộng, hoa màu của người dân nhưng lâu nay không có cơ quan nào xử lý.
Bãi tập kết rác thải tại xã Gào
Mỗi khi trời nắng mùi hôi thối bốc lên không thể nào chịu được, ruồi muỗi, sâu bọ từ đó sinh sôi nảy nở ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu không khí, môi trường. Đáng lẽ ra bài tập kết rác được đầu tư quy mô gần cả chục tỷ phải có hệ thống xử lý nước thải, nhưng trên thực tế nó thải trực tiếp ra suối, thật không thể hiểu nổi".
Theo tìm hiểu được biết, bãi tập kết rác nói trên nằm tại khu vực xã Gào (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) có diện tích hơn 10ha được đầu tư hơn 7 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ 9/2010, thời gian hoạt động 9-10 năm.
Mỗi ngày có khoảng 150 tấn rác không qua xử lý được Công ty Cổ phần công trình đô thị Gia Lai vận chuyển đưa về bãi rác. Sau đó, toàn bộ rác thải được đổ vào hố để thực hiện công đoạn chôn lấp.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV nước thải không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào cứ thế thải trực tiếp ra suối. Tại khu vực 2 hố chứa rác, nước rỉ thải có màu đỏ bốc mùi hôi thối cứ đổ dồn vào một hồ đất rộng tạo ra bọt trắng xóa nổi lềnh bềnh trên mặt hồ, chảy ra khu vực suối nơi có hàng ngàn người dân sinh sống canh tác hoa màu.
Nước thải đen ngòm, bốc mui hôi thối
Nói về vấn đề này, ông Mai Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Ia Kênh cho biết: "Bãi tập kết rác không chỉ gây ô nhiễm, bức xúc cho người dân trên địa bàn xã Gào mà sự ô nhiễm lan sang địa bàn xã Ia Kênh.
Trong năm 2017, nhiều hộ dân sinh sống tại làng O Sơr, xã Ia Kênh cũng bức xúc phản ánh về thực trạng ô nhiễm từ bãi rác. Lãnh đạo xã đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên nhưng từ đó đến nay không thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý".
Nước thải không qua xử lý chảy trực tiếp ra suối
Trước những hình ảnh mà PV ghi nhận, ông Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Gào thừa nhận: "Nước rỉ thải thật sự như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 900 hộ dân, 3.500 khẩu đang sinh sống tại 5 thôn, làng. Nghiêm trọng hơn nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con và sản xuất nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nặng nề".
"Tôi sẽ đi kiểm tra và yêu cầu ngăn chặn kịp thời việc xả thải trước khi tình trạng nghiêm trọng thêm", ông Trần Ngọc Thanh khẳng định.
Trao đổi thêm với PV Báo Công lý, bà Lê Thị Hồng Quyên, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường, sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Gia Lai cho hay, "Địa điểm bãi chôn lấp rác thải tại xã Gào trước đây đã liệt kê vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, tuy nhiên phương án xử lý lâu dài đang được xem xét".
Vấn đề đặt ra ở đây, các cơ quan chức năng cần sớm có hướng xử lý căn cơ, tránh tình trạng các cấp có thẩm quyền cứ mãi điệp khúc…“tìm phương án” trong khi cuộc sống của người dân thì ngày ngày chìm ngập trong rác và ô nhiễm…