Sáng ngày 24/01, đông đảo các tiểu thương chợ Hoa Lư, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Hoa Lư, TP. Pleiku đã kéo nhau lên phòng tiếp dân Tỉnh đòi giải quyết về vấn đề cưỡng chế di dời chợ Hoa Lư sang khu chợ mới khi chưa được sự đồng thuận của dân.
Chợ Hoa Lư cũ đã được hình thành từ rất lâu, hiện đang nằm trên mặt đường Cách Mạng Tháng, phường Hoa Lư, TP. Leiku. Song, do nằm trên trục đường chính, hiện tượng mua bán tràn lan, lấn chiếm lòng lề đường quanh khu vực chợ đã gây nên hiện tượng quá tải và khó khăn cho việc lưu thông giao thông. Vì vậy, UBND Thành phố và UBND phường đã quyết định di dời và xây dựng chợ vào địa điểm mới phía sau chợ cũ - là con đường hẻm cụt Bá Lăng.
Được biết, địa điểm chợ mới có địa thế không mấy thuận lợi cho việc buôn bán, lại được xây vào quá sâu bên trong, phía trước mặt chợ các lô đất trống đã được bán cho 44 hộ dân tái định cư để xây dựng các kiốt, làm che khuất mặt chợ và gây khó khăn cho việc kinh doanh của các tiểu thương trong chợ.
Các tiểu thương đồng loạt kéo đến văn phòng tiếp dân Tỉnh gửi đơn khiếu nại việc di dời sang chợ mới
Mặt khác, qua tìm hiểu của PV thì, vấn đề mấu chốt khiến lòng dân không đồng tình ở đây là khi chính quyền thành phố và địa phương quyết định xây dựng chợ mới trên đường Bá Lăng, mà chưa hề lấy ý kiến và tổ chức bất kỳ một cuộc họp dân nào về vấn đề xây dựng và di dời chợ. Đến khi chợ đã hoàn thiện và chuẩn bị đi vào hoạt động, thì UBND thành phố và phường Hoa Lư mới bắt đầu tổ chức họp dân và buộc các tiểu thương phải di dời vào chợ mới từ ngày 22/01 – 30/01/2015, nếu không di dời các cơ quan chức năng sẽ tháo dỡ chợ.
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Xuân - một tiểu thương buôn bán trong chợ cho biết: “Khi chợ mới xây dựng, chúng tôi chưa hề được chính quyền các cấp thông báo, tổ chức bất kì cuộc họp dân nào cả. Đến khi chợ xây xong, đùng một cái, chính quyền tổ chức họp dân vào ngày 22/01 bắt buộc, cưỡng chế chúng tôi phải di dời vào khu chợ mới, trong khi hợp đồng cũ của chúng tôi vẫn còn 8 năm nhưng không được giải quyết…”.
Bà Đặng Thị Kim Phượng cũng là một tiểu thương trong chợ cho biết thêm: “Ngày 22/01 khi UBND thành phố và phường đến làm việc, nhưng bị dân phản đối thì Phó chủ tịch Thành phố kiên quyết cưỡng chế, đòi dỡ bỏ các nhà lồng của chợ, điều này đã làm cho tất cả chúng tôi vô cùng bức xúc. Ngày 23/01 các cán bộ đã mặc thường phục đến chợ xem xét, thấy vậy vì hoảng sợ nên tất cả các tiểu thương chúng tôi đã ăn, ngủ tại chỗ để bám giữ chợ”.
Chính vì vậy, các tiểu thương đã đồng loạt gửi đơn đến ngành chức năng xin được buôn bán tại khu vực chợ cũ hết 8 năm như trong hợp đồng, hoặc phải bồi thường thỏa đáng mới di dời chợ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Qúy Thọ - Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết: “Trước hết, văn phòng tiếp dân Tỉnh sẽ tiếp nhận đơn khiếu nại của bà con, và sẽ thống nhất cách giải quyết một cách nhanh nhất cho bà con”.