Sức Khỏe

GIÀ HÓA DÂN SỐ Thách thức trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

1.jpeg

Già hóa dân số là một vấn đề toàn cầu đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, xu hướng già hóa dân số mang tính lâu dài và không thể đảo ngược. Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.

Tình trạng này đặt ra thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của lớp tuổi này.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo UNFPA, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già".

pham-vu.jpg
TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số

TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian qua, do làm tốt công tác giảm sinh nên số lượng và tỷ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số của Việt Nam ngày càng giảm. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế - xã hội và việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tỷ lệ và số lượng người cao tuổi tăng lên. 

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 7%. Đến khi tỷ lệ người cao tuổi trở lên đạt 14%, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn dân số già.

Điều đáng lo ngại là, nếu như các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, (như Pháp: 115 năm, Thụy Điển: 85 năm, Hoa Kỳ: 70 năm…) thì Việt Nam được dự báo giai đoạn dân số già sẽ đến trong vòng 16 - 18 năm nữa. Như vậy, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tăng dân số trong độ tuổi lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, già hóa dân số cũng sẽ đặt ra thách thức khi tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tăng dân số trong độ tuổi lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, già hóa dân số cũng sẽ đặt ra thách thức khi tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình.

TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số

dan-so-4.jpeg
Già hóa dân số có tác động ngày càng mạnh đối với phát triển kinh tế xã hội ở nước ta cả trong cả ngắn hạn và dài hạn.

PGS.TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.

"Thế nhưng, trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc trên 3 bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, Sa sút trí tuệ, đột quỵ…. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi", Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương nói.

Tuy nhiên thực tế là chúng ta không thể mang thuốc đến cho tất cả người bệnh được. Việc duy trì chăm sóc, điều trị đều đặn cho họ rất khó khăn, trong khi truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng còn hạn chế. Chưa hết, khi dịch được kiểm soát, bệnh nhân cao tuổi lại nhập viện ồ ạt với tình trạng bệnh lý nghiêm trọng gây áp lực lớn lên hệ thống y tế…

GS.TS Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cũng cho rằng, bệnh lý người cao tuổi có những đặc điểm riêng không giống với các lứa tuổi khác: Khi về già, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn đến suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém.

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính và thoái hóa, trong đó phải kể đến bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, COPD, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… Đa số các bệnh này ít nhiều có liên quan đến lối sống và nói chung phải điều trị suốt đời.

Tuổi cao và các bệnh mạn tính là nguyên nhân chính dẫn đến giảm hoạt động chức năng hàng ngày ở người già như: Giảm khả năng tự đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống, khả năng giao tiếp, quản lý tài sản, tiền bạc của người già... Việc mất tính độc lập trong hoạt động chức năng hàng ngày là nguyên nhân gây tàn phế và đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp…

GS.TS Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam

Bên cạnh đó, vấn đề tâm lý người cao tuổi cũng cần được quan tâm hơn nữa. BS Đỗ Thị Mai Hương - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, độ tuổi tăng dần có thể khiến tính cách con người thay đổi do nhiều nguyên nhân tác động như: Cơ thể suy yếu, trí nhớ suy giảm, hay quên, thiếu sự chú ý, ăn ít, dễ mắc hội chứng Alzaheimer.

Cùng với những biểu hiện thể chất, người cao tuổi thường có tâm lý cô đơn, hoài cổ, hay lo lắng bi quan. Trải qua quãng thời gian dài lao động được tiếp xúc, giao tiếp với nhiều người, khi sức khỏe yếu đi, ít hoạt động ngoài xã hội dễ sinh buồn chán…

dan-so-7.jpeg
Chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi là yêu cầu cấp thiết.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích".

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 có tới 70% số người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; tỷ lệ này cần đạt mức 85% vào năm 2030.

Một mục tiêu khác là số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt mức 70%; số người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc sẽ được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng từ năm 2025.

dan-so-8.jpeg
Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc người cao tuổi

Chăm sóc sức khỏe, nhân tố hàng đầu bảo đảm cho người cao tuổi có cuộc sống tốt về thể chất, tâm lý, xã hội và tinh thần, đang đặt ra nhiều vấn đề khó khăn đối với ngành y tế.

Nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi nhiều hơn bất cứ đối tượng nào trong xã hội. Vấn đề phòng bệnh, dinh dưỡng, duy trì lối sống tích cực, năng động, bảo đảm cuộc sống tinh thần phong phú, thiết lập hệ thống chăm sóc trong gia đình và cộng đồng cho người cao tuổi đòi hỏi phải huy động được nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện.

Thách thức quan trọng nhất đối với ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là hệ thống y tế mới chỉ thay đổi với một tốc độ khá chậm trong việc thích ứng với tỷ lệ dân số cao tuổi dự kiến: chỉ một vài tỉnh và thành phố có Khoa Lão; việc giáo dục, đào tạo lão khoa tại các trường y còn hạn chế; chăm sóc tại cộng đồng còn chưa phát triển và việc chăm sóc tại nhà mới đang manh nha.

Trong khi đó, người cao tuổi là một đối tượng đặc biệt, với nhiều đặc điểm tâm sinh lý và bệnh lý khác biệt so với người trẻ, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đòi hỏi cán bộ y tế phải được đào tạo chuyên sâu, đặc biệt về lĩnh vực này.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Già hóa dân số: Thách thức trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi