Giá điện mới ảnh hưởng thế nào đến người thu nhập thấp?

Bảo Anh| 01/12/2017 19:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, về giá điện, Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo, chính sách mức 50kW/h của bậc thang đầu tiên, theo đó các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 51.000 đồng/tháng.

Chiều 1/12, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo để giải đáp những vấn đề liên quan đến quyết định tăng giá điện lên mức bình quân 1.720,65 đồng/kWh, tăng 6,08% kể từ ngày 1/12.

Giá điện mới ảnh hưởng thế nào đến người thu nhập thấp?

Theo Tổng thư ký Hiệp hội bảo vệ NTD, giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà còn cho DN

Trước đó, trong thông báo phát đi hôm 30/11 Bộ Công Thương cho biết được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành giá bán lẻ điện năm 2017 thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điểu chỉnh là từ 01/12/2017.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Tại cuộc họp báo chiều 1/12, trả lời các câu hỏi về việc điều chỉnh giá điện có tính tới ảnh hưởng đến người có thu nhập thấp, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo thống kê 2016, có 5,4 triệu khách hàng tiêu thụ 50-100 kW/h. Với mức sống sinh hoạt hiện nay thì những hộ này còn ít nhưng đây là số liệu chính thức, dưới 50 kW/h thì 4,1 triệu hộ. Tới 200kW/h là 2 triệu hộ.

"Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo, chính sách mức 50kW/h của bậc thang đầu tiên, theo đó các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 51.000 đồng/tháng. Đối tượng nào được hưởng thì theo quy định chung của Nhà nước. Tổng số tiền hỗ trợ là trên dưới 2500 tỷ đồng/năm", ông Tuấn nói.

Liên quan đến câu hỏi việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến lạm phát và chi phí sản xuất của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành tham gia đóng góp ý kiến; trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời thì gía điện làm tăng 0,07% chi phí sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong 2,8 triệu hộ dùng điện thì cơ bản số hộ sử dụng điện dùng dưới 200 kWh (chiếm 78%), nên việc tăng giá điện này sẽ khiến CPI bị ảnh hưởng 0,1% còn GDP bị ảnh hưởng 0,68%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà còn cho doanh nghiệp, nên sẽ ảnh hưởng đến mức giá mặt hàng.

Theo mức giá điện mới, với hộ thuộc nhóm kinh doanh dịch vụ, giá điện sẽ tăng 5,7%.

Với những hộ sử dụng điện sinh hoạt sẽ có những mức tác động khác nhau. Cụ thể hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng sẽ bị tăng là 3.250 đồng/tháng. Hộ tiêu thụ từ 51-100 kWh/tháng sẽ tăng 6.600 đồng. Hộ tiêu thụ từ 101-200 kWh/tháng sẽ tăng 13.800 đồng/tháng. Hộ sử dụng 201-300 kWh/tháng sẽ tăng 23.600 đồng/tháng. Hộ sử dụng 301-400 kWh/tháng tăng là 34.800 đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá điện mới ảnh hưởng thế nào đến người thu nhập thấp?