Nằm tách biệt khỏi khu dân cư, 4 bề là sông nước mênh mông, trang trại lợn của chị Trần Thị Bé (SN 1972, thôn Vân Cẩm, xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang) tựa như một bán đảo thu nhỏ…với số lượng lợn lên đến gần 1000 con.
Lận đận chăn nuôi bò, gà
Chị Trần Thị Bé sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên từ nhỏ chị đã quen với cái cuốc, cái liềm mà không hề quen con chữ. Tuy “mù chữ” nhưng chị lại rất nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát, tính nhẩm rất siêu. Là chị cả nên mọi công việc trong gia đình đều do một tay chị quán xuyến, chăm lo, chị luôn khuyên nhủ các em, cố gắng học hành, để sau này bớt khổ và giúp đỡ gia đình.
"Bán đảo" lợn sạch gần 1000 con của chị Bé
Năm 1995, chị lập gia đình với anh Tám trong thôn. Anh Tám là người hiền lành, chất phác nhưng chỉ biết quần quật làm thuê, an phận thủ thường mà không có chí hướng làm giầu, mọi công việc lớn bé trong nhà cũng lại do một tay chị thu xếp.
Sau nhiều năm đi khắp chốn làm thuê, kiếm tiền gửi về cho chồng nuôi 2 đứa con, chị nhận thấy, tại vùng chiêm trũng ở thôn Vân Cẩm có tiềm năng về lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nên đã quyết định trở về, mua mảnh đất rộng hàng trăm héc ta để lập trang trại.
Nhìn từ xa, trang trại lợn của chị Bé tựa như một bán đảo thu nhỏ
Ban đầu, chị chọn bò sữa để phát triển, sau khi xây dựng chuồng trại, chị được nhà nước cấp cho 22 con bò cái. 2 năm dài ăn ngủ, vật lộn với bò, chị nhận thấy năng suất và tiền lãi thu về rất thấp nên quyết định chuyển sang nuôi gà, nhưng rồi một trận dịch tràn qua, đàn gà lớn nhỏ hàng ngàn con của chị trong phút chốc tan thành may khói.
Và “bán đảo" lợn sạch nghìn con
Tuy nhiều lần thất bại với việc chăn nuôi, nhưng không vì thế mà chị nản chí, được sự tư vấn và qua tìm hiểu kỹ, chị nhận thấy, lợn là con vật dễ nuôi, dễ phát triển, lại phù hợp với địa hình mảnh đất nơi chị cắm làm trang trại.
Ban đầu chị chỉ dám mua 100 con lợn giống về nuôi thử, vừa nuôi, chị vừa học hỏi kinh nghiệm ở khắp mọi nơi. Song song với việc phát triển nuôi lợn, tận dụng các ao hồ có sẵn xung quanh, chị be bờ, thả cá, trồng rau theo mô hình V.A.C, nhờ vậy mà việc chăn nuôi có nhiều tiến triển tốt.
Chị Bé đang chăm sóc đàn lợn gần 1000 con của mình
Năm 2007, do nằm giữa vùng chiêm trũng nên mưa lũ làm trang trại lợn của chị bị ngập, chị đã cùng chồng tổ chức di dời đàn lợn lên nơi khô ráo thoáng mát, bảo vệ thành quả mà phải vất vả lắm chị mới đạt được. Để tránh lụt cho lợn, chị quyết định thuê người về bồi đất, xây dựng lại chuồng trại cao ráo hơn, để yên tâm phát triển.
Lận đận nhất là đợt dịch đau mắt đỏ, kèm lở mồm long móng năm 2008, đàn lợn hàng nghìn con của chị bị dính dịch, ốm yếu, bỏ ăn, nằm la liệt. Quyết không để cả cơ ngơi của mình trôi tuột đi như đàn gà, chị đã ngày đêm tìm hiểu các bài thuốc dân gian, rắc vôi xung quanh chuồng, tắm cho từng con bằng phèn chua, kết hợp tiêm thuốc tây, đàn lợn của chị đã hồi sinh trở lại khiến chị mừng rơi nước mắt.
Rút kinh nghiệm, cứ có lợn giống nhập về, chị lại thuê hẳn 1 bác sỹ thú y theo dõi, tiêm vắc xin kháng bệnh, miễn dịch ngay từ đầu, nhờ thế đàn lợn của chị phát triển đều, khỏe mạnh, mau ăn, chóng lớn.
"Nuôi lợn, khâu cốt yếu nhất là việc lựa chọn con giống"
Vượt qua một con đường độc đạo, gập ghềnh sỏi đá với những ao hồ mênh mông nước, chúng tôi vào thăm “bán đảo lợn sạch nghìn con” của chị Bé. Thấy chúng tôi, chị Bé vừa tắm cho lợn vừa vui tính nói: “Nuôi lợn thôi mà, ai cũng làm được, lên báo, lên đài tôi ngại lắm”.
Nghỉ làm trong giây lát, chị Bé tâm sự :“Tôi làm nghề chăn nuôi đã gần 10 năm nay, nhưng con lợn là con tôi yêu thích nhất, chúng dễ nuôi, dễ bán, thời gian từ lúc nuôi đến lúc xuất chuồng ngắn, nên đỡ vất vả hơn các con vật khác, một mình tôi cũng có thể lo được hết. Thức ăn chủ yếu mà tôi cho lợn ăn là cám ngô, cám gạo, và rau cỏ ngoài đồng. Lương tâm không cho phép tôi sử dụng các chất công nghiệp, chất cấm để nuôi lợn…”.
Theo chị Bé, nuôi lợn, khâu cốt yếu là việc chọn con giống, phải chọn những con thân dài, bụng thon, mông nở, lanh lợi, đuôi luôn ve vẩy, da lông bóng mượt, tai to... “Thông thường một lứa từ khi mua con giống cho đến lúc xuất chuồng là khoảng 3 – 4 tháng, nhưng trang trại của tôi thì phải từ 5 – 6 tháng mới xuất chuồng, phải đến thời gian đó, thịt lợn mới đủ săn chắc, đủ độ thơm ngon, xuất ra thị trường mới có thương hiệu”, chị Bé cho biết thêm.
Một góc trang trại lợn của chị Bé
Nói về lợi nhuận, chị Bé cho biết, chính con lợn đã giúp gia đình chị thoát nghèo, trả hết được nợ nần, mỗi lứa lợn chị nuôi tầm 600 - 700 con, mỗi con nặng từ 100 – 120kg, trong vòng 5 – 6 tháng có thể bán, thu lãi từ 500 - 800 ngàn đồng/con. Mỗi năm, trừ chi phí chị cũng lãi được hơn 1 tỷ đồng.
“Đời tôi đã không biết chữ, tính toán mọi khoản chỉ bằng phương pháp nhẩm, nhưng chính xác, không bao giờ sai lệch. Tuy vậy đó cũng là điều thiệt thòi nhất trong cuộc đời tôi. Hiện 2 con của tôi đang đi học, con chữ đã thành thạo, tôi đang cố gắng tích cóp để có thể đưa chúng đi du học Nhật Bản, sau này cuộc sống của chúng sẽ bớt khổ hơn”, chị Bé hồ hởi khi nói về ước muốn của mình trong tương lai.