Tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2015, ngày 1/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2015.
Việc triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Các thành viên Chính phủ cũng đánh giá việc thực hiện ngân sách nhà nước 5 năm 2011 - 2015 và định hướng khung cân đối ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020; nghe và thảo luận về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; báo cáo đánh giá kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2015.
Nền kinh tế phục hồi rõ nét
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi khá rõ nét với tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Tốc độ tăng GDP 9 tháng đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước. Động lực tăng trưởng của năm 2015 được Bộ trưởng nhận định là do sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp; sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu được cải thiện nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp cùng với những tác động bước đầu của việc triển khai thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp.
Nhìn vào con số kim ngạch xuất khẩu 120,7 tỷ USD (tăng 9,6%), tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 124,6 tỷ USD (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014), thành viên Chính phủ cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ có tác động không lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo tính toán sơ bộ, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có thể tăng thêm khoảng 0,04% trong năm 2015 và tăng thêm 0,08% trong năm 2016; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do ta đã chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và điều chỉnh giảm giá VND so với USD từ đầu năm đến nay khoảng 5% để thúc đẩy xuất khẩu. Đến thời điểm hiện nay, đúng như dự báo từ đầu năm, các diễn biến giá dầu giảm, sự suy giảm kinh tế Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam năm 2015.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, xu hướng kinh tế tốt hơn, đạt được mục tiêu đặt ra là do công tác chỉ đạo điều hành đã chủ động hơn trước biến động của kinh tế thị trường, cả thế giới và trong nước. Chẳng hạn như kịch bản giá dầu thấp, hay biến động kinh tế châu Âu và khủng hoảng nợ, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, mặc dù có ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng ta đã bình tĩnh xử lý và các biện pháp đưa ra hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, với nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng lớn về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, trong khi hoạt động của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các thành viên Chính phủ đề nghị cần đánh giá nguyên nhân khách quan, phân tích sâu hơn qua thông số như số doanh nghiệp trong nước, quy mô vốn, doanh số, doanh thu, lợi nhuận để có các giải pháp khắc phục hữu hiệu. Trên thực tế, các mặt này đều tăng nhưng tốc độ tăng không bằng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Quang cảnh phiên họp.
Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định cuối năm 2015, 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu vượt rất cao như GDP, dự kiến tăng trưởng 6,2% nhưng tiến triển tốt có thể lên đến trên 6,5%, đây cũng là chỉ số được các tổ chức quốc tế đồng tình đánh giá. Trong 14 chỉ tiêu, một chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ che phủ rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cách tính khác. Dựa trên tỷ lệ trồng rừng mới tăng lên, xét cho rõ, đây là chỉ tiêu hoàn thành - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu.
Các thành viên Chính phủ cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, không thể chủ quan, giá dầu thô diễn biến khó lường, cần theo sát và có phản ứng chính sách kịp thời. Các thành viên Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ để linh hoạt huy động nguồn lực và phát hành trái phiếu ra quốc tế để đảo nợ, giảm nợ công.
Bổ sung báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020
Từ những kết quả của bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng và dự báo cả năm với nhiều điểm sáng, các thành viên Chính phủ đề nghị điều chỉnh, đánh giá bổ sung một số nội dung trong dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 theo hướng cập nhật sát với con số của năm 2015. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng kinh tế có khởi sắc nhưng tài chính ngân sách lại khó khăn. Báo cáo 5 năm 2011 - 2015 đã phân tích cơ cấu ngân sách chi thường xuyên tăng quá nhanh, trong điều hành phải giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nên dẫn đến thu ngân sách giảm.
Phó Thủ tướng đề nghị phân tích kỹ hơn, để xu hướng này diễn biến tiếp là không tốt, đầu tư không bằng bội chi. Định hướng 2016 - 2020 phải bổ sung nội dung cơ cấu lại ngân sách, tính toán lại chi thường xuyên, đầu tư, để ngân sách lành mạnh lại. Vấn đề nợ công hiện nay vẫn trong phạm vi an toàn và cho phép nhưng nhìn về lâu dài phải có chiến lược để lành mạnh tài chính, phải tính toán làm sao thị trường vốn phát triển tốt hơn, huy động được dài hơi hơn, huy động ngắn sẽ gây áp lực trả nợ lớn; đồng thời phải tính toán lại bài toán cơ cấu nợ công, phải tăng vay trong nước.
Thành viên Chính phủ đề nghị tính toán lại chuẩn nghèo và tỷ lệ nông thôn mới. Nếu đặt vấn đề 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 sẽ phải bố trí vốn đầu tư rất lớn, không dễ thực hiện. Hiện mới có trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm đạt 20%.
Liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị báo cáo về tái cơ cấu cần gắn với thành tựu có được từ 30 năm đổi mới, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, vấn đề minh bạch ngân sách. Thành viên Chính phủ cho rằng giai đoạn 2016 - 2020 cần đặt vấn đề thực hiện tốt các nhóm giải pháp để đảm bảo thu, chi và tái cơ cấu ngân sách nhà nước, giảm chi thường xuyên, dành tiền cho trả nợ.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng thống nhất đánh giá những đổi mới trong thi cử, lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ xét tuyển đại học đã thành công, đi đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) là giảm áp lực, giảm tốn kém, đánh giá kết quả sát thực tế. Đây là chủ trương đúng, được dư luận xã hội đồng tình, cần phát huy kết quả đạt được, khắc phục những lỗi kỹ thuật để các năm tiếp theo thực hiện tốt hơn.
Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Kết luận hai ngày làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ những kết quả kinh tế - xã hội và ngân sách đạt được 9 tháng qua là tín hiệu phấn khởi trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực gặp không ít khó khăn, đây là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị. Với việc tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong 9 tháng, khả năng 3 tháng cuối năm sẽ duy trì hoặc có thể đạt mức cao hơn, đưa tốc độ tăng trưởng GDP cả năm lên trên 6,5%. Đây là con số có ý nghĩa cho cả 5 năm, đưa mức tăng trưởng GDP bình quân cả 5 năm tăng xấp xỉ 6%.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu cuối năm phải cố gắng đạt ở mức cao nhất, phải theo dõi diễn biến tình hình thế giới, phản ứng chính sách kịp thời, phát huy ưu điểm cũng như khắc phục những hạn chế, khó khăn để đạt kết quả cao nhất. Đối với nông nghiệp, phải tập trung quyết liệt vì đây vừa là thu nhập, đời sống của nông dân, vừa góp phần cho tăng trưởng. Đối với du lịch, phải rà soát, tìm cách cạnh tranh, nếu không cải cách, cải thiện sẽ tụt dốc. Đối với xuất khẩu nông sản, phải nỗ lực tìm kiếm các thị trường khác, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Về vấn đề tái cơ cấu, Thủ tướng lưu ý các Bộ trưởng phải chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng. Đặc biệt quan tâm đến cải cách hành chính, Thủ tướng nêu rõ mặc dù Nghị quyết 19/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 đã đi đúng hướng, đạt được một số kết quả tích cực nhưng không thể chủ quan, thỏa mãn, cần tiếp tục cải cách, phát huy cao năng lực cạnh tranh. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục thuế, hải quan, Bộ Tài nguyên – Môi trường cải cách thủ tục đất đai… 9 Bộ đã kết nối cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN mà trước hết là các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế cần tập trung thực hiện tốt cơ chế này, để thông quan thủ tục dễ dàng. Đó là điều nằm trong tầm tay, có thể làm ngay được, tinh thần phấn đấu đạt cao nhất các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2015 - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về xây dựng pháp luật, đưa ra con số nợ đọng 81 văn bản, trong đó có 29 văn bản của Chính phủ, 52 thông tư, nợ tăng 47 văn bản so với cùng kỳ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ phải làm cho hết, Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Tư pháp giải quyết dứt điểm nợ đọng văn bản, không để tình trạng văn bản đẩy lên đẩy xuống lòng vòng.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương đưa ra tiêu chí giảm nghèo bền vững giai đoạn mới (giảm nghèo đa chiều) để thảo luận và triển khai thực hiện trong năm 2016 bởi liên quan đến các tiêu chí này cần phải cân đối nguồn lực rất lớn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; không ngừng củng cố tiềm lực an ninh quốc phòng, giữ vững anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, trung thực, khách quan cho báo chí, dư luận về mọi mặt của tình hình kinh tế - xã hội, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực thiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra.
Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Kế hoạch này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và thảo luận nhiều lần. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý, trong đó có các ý kiến thảo luận tại phiên họp này, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến đóng góp, cập nhật thêm thông tin, số liệu, các ý kiến đánh giá về các mặt đạt được và chưa được theo đúng bối cảnh tình hình; chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém còn tồn tại nhằm đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Về vấn đề ngân sách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong 5 năm tới phải cơ cấu lại ngân sách theo hướng tích cực hơn. Chi thường xuyên phải giảm xuống, chi đầu tư phải tăng lên, dứt khoát bội chi là để đầu tư; đồng thời phải đề ra các giải pháp hiệu quả để tăng thu nội địa; bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế; việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước, cũng như chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.